Trung Quốc cải thiện quan hệ với châu Âu


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến thăm 5 nước châu Âu, bao gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang tiếp tục căng thẳng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chuyến thăm “làm hòa” với châu Âu cũng khó giúp Bắc Kinh đạt được mục đích như mong đợi.
Doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực xúc tiến thương mại, tăng đầu tư vào châu Âu
Doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực xúc tiến thương mại, tăng đầu tư vào châu Âu

Lôi kéo châu Âu khỏi ảnh hưởng của Mỹ 

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị đến châu Âu kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu và trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - châu Âu đang xấu đi sau khi nhiều nước châu Âu tìm cách hạn chế sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc; đồng thời chỉ trích Trung Quốc xung quanh trách nhiệm về Covid-19, hay ban hành Luật An ninh quốc gia Hồng Công. Phía Trung Quốc cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do châu Âu đã chịu sức ép từ Mỹ.

Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm 6 nước châu Âu với mục đích lôi kéo châu Âu thành lập “Liên minh xuyên Đại Tây Dương”. 

Trong chuyến công du, ông Vương Nghị không ngừng kêu gọi các nước châu Âu tăng cường đối thoại chiến lược, kinh tế với Trung Quốc. Thông điệp chính mà ông Vương Nghị muốn đưa ra là Trung Quốc vẫn gắn bó với đường lối ngoại giao đa phương, đó cũng là điểm tương đồng với các nước châu Âu. Tại Pháp, ông Vương Nghị kêu gọi châu Âu đoàn kết chống lại “các thế lực cực đoan” ở Mỹ đang đòi “phân tách” với Trung Quốc. Ở Đức, ông Vương Nghị cũng thúc giục Đức tập trung vào các vấn đề lớn và đoàn kết với mục tiêu chung, thay vì để những khác biệt chia rẽ hai nước…

Khó có khả năng gắn bó 

Sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị trở về từ châu Âu, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ có chuyến thăm Hy Lạp và Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ châu Âu qua các chuyến đi của các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc sẽ khó có thể làm hài lòng chính giới ở Bắc Kinh. Theo tờ Diplomat, nhìn vào mối quan hệ châu Âu - Trung Quốc kể từ những năm 1990, có thể thấy rằng căng thẳng gần đây được thúc đẩy bởi các yếu tố sâu xa hơn, có khả năng sẽ tiếp tục. Thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc rõ ràng là cứng rắn trên khắp châu lục, kể cả ở các nước chủ chốt như đầu tàu Đức. Truyền thông châu Âu những ngày qua tập trung xoáy sâu những sai lầm ngoại giao gần đây của Trung Quốc, trong đó có Luật An ninh quốc gia Hồng Công. 

Đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc vào châu Âu kể từ năm 2012 không được đón nhận nồng nhiệt nữa, vì thường được các ngân hàng nhà nước tài trợ theo các chương trình của chính phủ như chương trình “Made in China 2025” và “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, vốn bị châu Âu nghi ngờ là có động cơ chính trị và bóp méo thị trường. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã thận trọng, chú ý nhiều hơn đến thách thức dài hạn do mô hình kinh tế do nhà nước điều hành của Trung Quốc. 

Tuy các chính phủ châu Âu tiếp tục tuyên bố Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng trong hợp tác song phương cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu, song quan hệ châu Âu - Trung Quốc vẫn đang đi xuống. Đối với Mỹ, đây lại là cơ hội để phối hợp với châu Âu về các vấn đề cùng quan tâm, miễn là chính phủ sắp tới ở Washington chọn cách ít đối nghịch hơn với châu Âu. Vì châu Âu có thể đóng một vai trò quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu, tùy thuộc vào mức độ mà khối này nghiêng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục