SCMP ngày 12-8 cho biết, Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Công (CFS) đã phát hiện 2 mẫu trứng nhập từ Hà Lan nhiễm Fipronil vượt ngưỡng quy định.
Các mẫu thử nghiệm cho thấy Fipronil ở mức không an toàn trong sản phẩm trứng nhãn hiệu Cheer Fresh Holland Brown Eggs.
Trứng bán trong một khu chợ ở Hồng Công (Trung Quốc). Ảnh: SCMP
Ngày 11-8, Phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu (EC) về sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm Anca Paduraru cho biết, trứng từ các trại gia cầm Hà Lan nhiễm Fipronil đã được vận chuyển tới Hồng Công, tuy nhiên, trứng nhập vào Hồng Công nhiễm Fipronil ở mức không nguy hiểm cho người.
Theo CFS, điều đó có nghĩa là 2 mẫu được CFS kiểm tra nhiễm Fipronil ở mức không an toàn nằm trong một lô trứng mới nhập từ Hà Lan.
CFS cảnh báo "người đã mua trứng bị ảnh hưởng không nên tiêu thụ" và công nghiệp gia cầm nên "lập tức ngưng sử dụng hoặc bán lô trứng bị ảnh hưởng".
Chính quyền địa phương không đưa ra hướng dẫn thu hồi trứng, tuy nhiên, CFS cho biết đã tăng cường kiểm tra trứng nhập từ các nước châu Âu.
Vụ bê bối trứng nhiễm Fipronil ở châu Âu bắt đầu ngày 1-8, với Đức, Bỉ và Hà Lan đã thu hồi hàng triệu trứng vì hoảng sợ.
Các nước EU khác bị ảnh hưởng là Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italia, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Slovenia và Đan Mạch, phát ngôn viên EC Daniel Rosario cho biết.
Một nước không phải thành viên EU là Thụy Sĩ cũng bị ảnh hưởng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ trứng nhiễm Fipronil có nguy cơ thấp với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ trứng với số lượng lớn, Fipronil có thể gây hại thận, gan và tuyến giáp.
Khi cơn hoảng sợ bắt đầu ở châu Âu, CFS đã kiểm tra các nhà bán lẻ lớn ở Hồng Công, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, gồm tăng cường kiểm tra trứng nhập từ Hà Lan, Đức và Bỉ.
Chuỗi siêu thị Hồng Công ParknShop thông báo "rất quan tâm" và cam kết "giữ liên lạc chặt chẽ và làm theo hướng dẫn" của CFS.
Chuỗi siêu thị cạnh tranh Wellcome đi xa hơn khi tuyên bố hoàn tiền cho khách hàng đã mua trứng nhập từ Đức, Bỉ và Hà Lan.