Cách đây 83 năm, ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ủy ban Trung ương Thiếu nhi - trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin - đặt vấn đề: “Chúng tôi có tại đây một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức... Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em đã bỏ gia đình đi ra nước ngoài, như những người cách mạng...”.
Bức thư đề nghị ủy ban tiếp nhận một số bạn nhỏ An Nam để sau này sẽ trở thành “Những chiến sĩ Lêninnit chân chính nhỏ tuổi”. Ngoài ra, trong bức thư gửi tới Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên Cộng sản, Bác cũng đề nghị ủng hộ ý định trên để “các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp”.
Tháng 7-1929, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại tỉnh Nakhon Phanom bên bờ sông Mê Kông, giáp giới với Đông Dương. Từ đây, nhà cách mạng Việt Nam đã xây dựng cơ sở trong cộng đồng Việt kiều tại nhiều địa phương trên đất Thái Lan. Sau này, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng”.
Ngày 22-7-1946, tiếp tục những nỗ lực ngoại giao tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, chính khách và gửi thư tới Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet thông báo có thể sẽ về nước vào đầu tháng 8. Bác tỏ ý tiếc nuối: “Nếu nước Pháp không thừa nhận nền độc lập Việt Nam, đó là một sự thiệt hại cho nước Pháp và cho cả Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp, sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn, còn đối với Việt Nam, thất bại đau đớn của sự hợp tác mà Việt Nam mong muốn sẽ buộc chúng tôi chỉ còn biết trông vào sức của mình mà thôi, để tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân mình”.
Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng to... Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh bệnh binh...”. Lời kêu gọi cũng khẳng định “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng. Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi tin rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích của cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt... Tôi thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.
Ngày 22-7-1968, Bác gửi thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ và biểu dương: “Đồng bào và cán bộ Nghệ An hãy nêu cao truyền thống anh dũng của Xô viết - Nghệ Tĩnh giành nhiều thành tích to lớn hơn nữa”.
D.T.Q và nhóm cộng sự