Chẳng hạn, tiêu thụ trứng tăng đáng kể trong năm 2020, chủ yếu là do trong thời kỳ giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng được các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng một cách tiện lợi với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân của một người trong một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.
Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 kg so với 6,1 kg/người/tháng).
Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9 kg so với 6,6 kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020.
Lượng tiêu thụ rượu bia cũng tăng trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cao hơn hẳn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng thu nhập bình quân 1 người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Trong khi đó, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,53 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,48 triệu đồng).
Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,13 triệu đồng.
Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam bộ (6,02 triệu đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,74 triệu đồng 1 người 1 tháng).
Đây là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm gần 47.000 hộ đại diện cho cả khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.