Tổn hại an ninh khu vực
Cuộc họp khẩn được tiến hành ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Tổng thống Palestine Mahoud Abbas và thông báo ý định của Washington di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.
Theo CNN, giới chức Mỹ cho biết, hiện một số điểm cụ thể vẫn đang được Nhà Trắng thảo luận, nhưng nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ đề cập đến quy chế Jerusalem là “thủ đô của Israel” trong ngày 7-12 (giờ VN).
Trong nghị quyết của mình, AL kêu gọi Mỹ và tất cả quốc gia tuân thủ các nghị quyết quốc tế về Jerusalem, cho rằng bất kỳ động thái nào thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ).
Đại diện thường trực của Ai Cập tại AL Yasser El-Atawi cảnh báo, bất kỳ hành động đơn phương nào cũng có thể làm suy yếu tiến trình hòa bình Palestine - Israel.
Theo ông El-Atawi, vị thế lịch sử và pháp lý của Jerusalem đối với người Arab và người Palestine là một vấn đề nhạy cảm và nên được giải quyết một cách khôn ngoan để ngăn ngừa căng thẳng trong khu vực.
Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi cho biết, nước này dự kiến sẽ triệu tập các phiên họp khẩn của AL và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vào ngày 9 và 10-12 tới để thống nhất lập trường chung giữa các nước Arab và Hồi giáo, cũng như để thảo luận cách đối phó với những hậu quả “nguy hiểm” từ quyết định của Tổng thống Mỹ liên quan tới TP Jerusalem.
Nhiều chỉ trích nặng nề
Sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Jerusalem cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt của thế giới Arab và Hồi giáo. Tổng thống Palesine Mahmoud Abbas đã điện đàm với Tổng thống Nga, Tổng thống Pháp, Quốc vương Jordan và Giáo hoàng, bác bỏ động thái trên của Mỹ và kêu gọi Mátxcơva, Paris, Amman và Vatican can thiệp để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Trong cuộc điện đàm với ông Abbas, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ ủng hộ tiến trình đối thoại Israel - Palestine, trong đó có vấn đề quy chế Jerusalem.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al Saud khẳng định, đây là một bước đi nguy hiểm, có thể tác động tiêu cực, gây thù địch và xúc phạm người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng lên án ý định của Mỹ, cho rằng động thái này sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định của toàn khu vực Trung Đông. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), LHQ và nhiều nước khác cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Giới quan sát và các chuyên gia cũng tỏ ý quan ngại sâu sắc. Chuyên gia Stephen Lendman, nhà báo kiêm nhà phân tích chính trị tại Chicago, cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel sẽ đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Theo ông Lendman, ý định của Tổng thống Donald Trump đang vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề từ thế giới Hồi giáo, đặc biệt là thế giới Arab. Ông cho biết, trước đây, mỗi lần ý định này manh nha xuất hiện thì đều bị dập tắt. Đó không phải một kế hoạch hòa bình. Đó là việc chấp nhận một Palestine tự quyết dưới sự kiểm soát lãnh thổ của Israel mà không có chủ quyền, với việc Israel có đặc quyền với các tài nguyên của Palestine.
Ông Lendman nhận xét, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra luận điểm quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình, muốn đạt được điều mà không chính quyền Mỹ nào làm được, đó là nỗ lực giải quyết bất đồng dai dẳng giữa Israel và Palestine kéo dài suốt 40 năm qua, song thực tế Mỹ chưa hề có giải pháp cho vấn đề này.