Sức ép mới nhất nhằm vào hoạt động tài chính cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của Saudi Arabia và những nguyên nhân sâu xa đã làm cuộc khủng hoảng này chưa thể có điểm dừng.
Chạm tới giới hạn
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngày 5-6, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực.
Yemen, Libya và Maldives cũng tiếp bước theo sau. Sau đó, vào ngày 6-6 và 7-6, Mauritania - một nước Tây Phi thuộc Liên đoàn Arab (AL) và Gabon, một thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục gia nhập danh sách này.
Sự thay đổi đột ngột trong quan hệ giữa các nước Trung Đông khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ. Bởi thông thường trong các nước Trung Đông, Israel hay Iran là đối tượng thường xuyên bị bao vây công kích, nhưng lần này đối tượng lại là Qatar - quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni, đồng thời cũng là quốc gia theo chế độ quân chủ.
Lý do vì sao Qatar bị bao vây công kích?
Đằng sau làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao lần này còn có nguyên nhân sâu xa hơn, lý do cơ bản là Qatar đã chạm vào điểm giới hạn cuối cùng của các nước như khi Saudi Arabia nhận định Qatar đã ủng hộ tổ chức khủng bố, có quan hệ mập mờ với Iran, nên muốn thông qua đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao để cảnh cáo, ràng buộc các hành vi ngoại giao của Qatar.
Hành khách mệt mỏi vì hàng loạt các chuyến bay bị hủy ở sân bay quốc tế Hamad
Làn sóng đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao lần này nhìn bề ngoài có vẻ như nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, trên thực tế là mâu thuẫn giữa Saudi Arabia với Qatar đã được công khai, là hình ảnh thu nhỏ của mâu thuẫn giữa Saudi Arabia với Qatar.
Điều ngẫu nhiên là cuộc khủng hoảng ngoại giao Trung Đông chỉ diễn ra trong thời gian ngắn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du đến khu vực này với cam kết lớn ủng hộ những quốc gia Arab theo dòng Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu.
Lời cam kết này được cho là đã khơi mào cho một cuộc đối đầu quyết liệt hơn giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Tổng thống Mỹ và chính quyền Saudi Arabia đều muốn cô lập Iran - quốc gia đứng đầu dòng Hồi giáo Shiite nhưng lập trường không rõ ràng của Qatar đối với Iran đã biến nước này trở nên “lạc điệu”.
Thái độ bắt tay với Iran của Qatar đã phá vỡ cục diện chống Iran đang từng bước hình thành, ảnh hưởng đến việc tranh giành quyền chủ đạo khu vực giữa Saudi Arabia với Iran. Saudi Arabia coi Iran là đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong khu vực nên không thể chấp nhận sự mập mờ của Qatar trong vấn đề Iran. Vào lúc Saudi Arabia muốn thiết lập một “trục Sunni” (còn gọi là “NATO Sunni”) hùng mạnh để đối phó với Iran thì Qatar lại kêu gọi các nước Arab cải thiện quan hệ với Tehran.
Bên cạnh đó, trong hơn 20 năm qua, Qatar đã cố gắng trở thành một quốc gia có thể tự lập trong khu vực và trên thế giới kể từ khi Thái tử Hamad bin Khalifa lên nắm quyền.
Với nguồn dự trữ khí đốt vô tận và hãng truyền thông Al-Jazeera liên Arab, Qatar đã trở thành một đối thủ nặng ký ở Trung Đông. Qatar đã thể hiện vai trò mới bằng cách công kích các nhà cai trị của các nước Arab khác trong phong trào nổi dậy “Mùa xuân Arab”. Những động thái từ Qatar từ lâu đã làm “người anh lớn” như Saudi Arabia không vừa lòng.
Ảnh hưởng mọi mặt
Giới chức ngoại giao của Mỹ và Đức đã cùng lên tiếng kêu gọi giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, căng thẳng ngoại giao nêu trên đã làm cản trở các hoạt động quân sự và kinh doanh của Mỹ trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và gây ra nhiều hậu quả về nhân đạo.
Tại Qatar, Mỹ có căn cứ quân sự Al-Udeid lớn nhất khu vực với 120 máy bay chiến đấu và 11.000 quân. Tại đây có trung tâm chỉ huy giám sát các hoạt động quân sự tại Afghanistan, Iraq, Syria và 18 nước khác ở khu vực.
Là quốc gia nhỏ nhưng Qatar nằm ở vị trí chiến lược ở vùng Vịnh và đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề chính trị khu vực. Qatar còn là bạn hàng lớn của Mỹ. Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông diễn ra đẩy Mỹ vào thế khó xử bởi Washington muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với tất cả các nước Arab vùng Vịnh.
Các nước vùng Vịnh đều là những nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Bất cứ sự căng thẳng nào cũng ảnh hưởng tới thị trường của hai loại sản phẩm này.
Trong tháng 4 năm nay, mức thặng dư thương mại của Qatar là 2,7 tỷ USD. Nước này đang thiên về xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, tất cả những đồng tiền này có thể biến mất nếu như căng thẳng trong khu vực vẫn tiếp tục. Trên thị trường dầu, giá dầu thô giảm sau khi Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác ngừng quan hệ ngoại giao với Qatar, dấy lên lo ngại về việc phá hỏng thỏa thuận toàn cầu nhằm kiềm chế nguồn cung dư thừa.
Qatar có năng suất khoảng 600.000 thùng/ngày, là một quốc gia sản xuất dầu nhỏ của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nếu Qatar bị cô lập, sản lượng dầu trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng và giá dầu tiếp tục leo thang. Trong bối cảnh mà giá vàng cao còn giá USD giảm mạnh, giá dầu tăng thêm sẽ còn làm cho tình hình thêm rối ren.
Trong khi đó, một số nhà băng tại Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã ngừng qua lại với Qatar, nhiều ngân hàng khác cũng đang theo dõi diễn biến và chưa quyết định có bán tài sản tại Qatar không.
Đồng tiền Qatar đã xuống đáy 11 năm và chứng khoán đang lao dốc. Vụ căng thẳng làm làm đình trệ nhiều chuyến bay giữa các nước trên. Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra, người Qatar đổ xô đến cửa hàng để mua thực phẩm. Qatar chỉ có biên giới trên bộ với Saudi Arabia và phụ thuộc rất lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu, đa phần từ các nước vùng Vịnh.
Saudi Arabia là con đường nhập khẩu hàng hóa qua đất liền duy nhất của Qatar. Gần 40% các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Qatar đi qua con đường này. Là một quốc gia sa mạc, Qatar chỉ sản xuất được chưa đầy 10% nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước.
Từng xảy ra khủng hoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh vào tháng 3-2014. Khi đó, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã triệu hồi các đại sứ ở Qatar để phản đối việc nước này can thiệp vào công việc nội bộ của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).