Theo IEA, MENA chiếm chưa đến 8% tổng lượng khí thải toàn cầu từ hoạt động sản xuất điện. Mục tiêu của khu vực này là hiện thực hóa tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn chưa được khai thác bằng cách tăng công suất từ dưới 50GW năm 2022 lên 200GW vào năm 2030, với 2/3 mục tiêu tham vọng này tập trung ở Saudi Arabia, Ai Cập, Algeria và Israel.
Saudi Arabia đang đóng một vai trò quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng, giữa lúc quốc gia này có kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo lên 59GW vào năm 2030 từ dưới 1GW năm 2022.
Algeria đặt mục tiêu đạt công suất lắp đặt ít nhất 14GW điện mặt trời và 5GW điện gió vào năm 2030, trong khi Ai Cập có kế hoạch tăng sản lượng điện tái tạo lên 37GW vào cuối thập kỷ này.
IEA cho rằng nếu tất cả các mục tiêu tham vọng của MENA thành hiện thực, công suất năng lượng tái tạo của khu vực này sẽ tăng từ 16,5GW năm 2022 lên hơn 90GW vào năm 2030. Theo IEA, mức độ bức xạ mặt trời cao và khả năng cạnh tranh ngày càng tăng khiến điện mặt trời trở thành lựa chọn công nghệ chính trong các tham vọng của MENA.
Theo đánh giá của IEA, nhiều quốc gia đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, nhờ chi phí giảm mạnh trong thập kỷ qua và những nỗ lực đổi mới của các chính phủ nhằm xây dựng các hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với lượng khí thải thấp hơn. Trong đó, điện mặt trời thu hút nhiều khoản đầu tư hơn bất kỳ công nghệ sản xuất điện nào khác, dự kiến sẽ tăng lên 500 tỷ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, IEA cảnh báo “sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới”. Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn ít đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này.