Vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Trung đoàn 174 cũng kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống và 50 năm Trung đoàn (đoàn A1) hành quân vào Nam đánh giặc (năm 1967) - 40 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang (năm 1977).
Truyền thống hào hùng
Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 174 ra quân đã đánh thắng trận đầu - trận Bông Lau - Lũng Phầy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đùm bọc của nhân dân, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, suốt 9 năm chống Pháp, Trung đoàn 174 đã lập những chiến công vang dội.
Năm 1950 Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Biên giới, đánh Đông Khê, Bác Hồ trực tiếp ra trận địa động viên bộ đội. Các trận đánh trên đường số 4 gắn liền với tên tuổi Chính ủy Trung đoàn đầu tiên - sau này là Đại tướng Chu Huy Mân và “hổ xám đường 4” - Trung đoàn trưởng đầu tiên - Trung tá Đặng Văn Việt.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Trung đoàn được giao đánh đồi A1 với giàn bộc phá ngàn cân, góp phần dứt điểm trận quyết chiến chiến lược “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu”...
Năm 1967, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Trung đoàn 174 được lệnh vào Nam chiến đấu. Xuân Mậu Thân 1968, trong đội hình Sư đoàn 1, Trung đoàn 174 đánh chiếm Tân Cảnh - thị xã đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên được giải phóng. Năm 1972, trong chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174 được giao mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh, làm tiền đề cho việc xây dựng thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam.
Các CCB Trung đoàn 174 về thăm lại chiến trường cũ tại tỉnh Kon Tum
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sau khi chiến đấu dài ngày trên vùng biên giới Tây Nam, trọng tâm là chiến trường Long An - Long Khốt, trong chiến dịch cuối cùng mang tên Bác Hồ kính yêu, Trung đoàn 174 được giao chốt chặn lộ 4 đoạn Cầu Voi đi Tân An, tiến công giải phóng thị xã Tân An (nay là TP Tân An) vào trưa 30-4-1975.
Cũng trong giai đoạn lịch sử hào hùng này, sau khi Đoàn A1 vào Nam chiến đấu, Trung đoàn 174 (B) thuộc Sư đoàn 316 được thành lập. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ đoàn Cao Bắc Lạng, Trung đoàn 174 (B) tham gia nhiều chiến dịch lịch sử trong đó có trận đánh Buôn Ma Thuột (3-1975) mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1977, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, đang làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn 174 (B) nhận lệnh hành quân lên biên giới. Hơn 10 năm chiến đấu trên biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với đất nước và nhân dân Campuchia, Trung đoàn 174 (B) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
68 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, Trung đoàn 174 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Trung đoàn 174 và Tiểu đoàn 5 hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 8 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là các anh hùng Bế Văn Đàn, La Văn Cầu, Đàm Văn Ngụy, Lý Văn Mưu, Nông Văn Vương, Triệu Viết Báo, Hoàng Văn Vịnh, Đèo Văn Khổ. Từ chiếc nôi của Trung đoàn 8, các đồng chí được thăng quân hàm cấp tướng, đó là: Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Trung tướng Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc, Thiếu tướng Vũ Viết Cam, Thiếu tướng Trương Văn Hai và Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa.
Điều đặc biệt, hàng vạn cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã hy sinh tính mạng hoặc hiến dâng một phần thân thể vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trách nhiệm vẻ vang
Phát huy truyền thống đoàn Cao Bắc Lạng, 68 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174 của cả hai miền đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Là những người lính Bộ đội Cụ Hồ trưởng thành từ Trung đoàn 174 - đoàn Cao Bắc Lạng, các thế hệ cựu chiến binh (CCB), dù sống bất cứ ở đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, cũng tận tâm tận lực đóng góp hết sức mình cho việc dân, việc nước và chăm lo cho đồng đội.
Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TPHCM và khu vực phía Nam (BLL) được thành lập từ hơn 10 năm nay đã hoạt động ngày càng có nền nếp, hiệu quả.
Thứ nhất, BLL đã tập hợp được các thế hệ CCB Trung đoàn 174 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam; chia sẻ, động viên những người lính bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới hoặc trong cuộc sống đời thường phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, gương mẫu thực hiện và động viên người thân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng địa bàn nơi cư trú.
Thứ hai, BLL chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống quân đội nói chung và Trung đoàn 174 nói riêng, thông qua các hình thức sinh hoạt thiết thực và bổ ích như: họp mặt truyền thống, hành hương về nguồn, trở lại chiến trường xưa, giỗ đồng đội...
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Trung đoàn 174 - Đoàn A1 (Cao Bắc Lạng) vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc (năm 1967), BLL đã tổ chức cho các CCB về thăm lại chiến trường xưa trên đất Tây Nguyên. BLL và các CCB đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và góp ý chỉnh sửa những chi tiết quan trọng trong các văn kiện lịch sử của đảng bộ và lực lượng vũ trang tỉnh có liên quan đến Trung đoàn 174 giai đoạn tham gia chiến đấu tại địa phương này.
Thứ ba, bên cạnh việc chăm lo chia sẻ với đồng đội và các gia đình thương binh, liệt sĩ đang gặp khó khăn như tặng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm..., BLL đặc biệt chú trọng chăm lo nơi thờ tự liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Từ năm 2008, với sự giúp đỡ của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, lãnh đạo và nhân dân huyện Vĩnh Hưng, xã Thái Bình Trung, BLL đã vận động các nhà tài trợ xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt, tập hợp danh sách trên 1.000 liệt sĩ của Trung đoàn 174 và các đơn vị tham gia chiến đấu trên chiến trường này để khắc bia đá; trong đó có hàng trăm liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hài cốt.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Khu tưởng niệm và Đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Long An) đã trở thành điểm đến tâm linh của các thế hệ CCB, thân nhân các gia đình liệt sĩ và du khách trong cả nước. Điều đáng chú ý, BLL phối hợp với Huyện ủy - UBND huyện Vĩnh Hưng và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, ngày 19-5 hàng năm tổ chức lễ tưởng niệm Bác Hồ và giỗ liệt sĩ, đáp ứng tâm nguyện của những người đang sống hướng về các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh vì tổ quốc. UBND tỉnh Long An đã công nhận Khu tưởng niệm và Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa (cấp tỉnh).
Thể theo tâm nguyện của nhân dân và các thế hệ CCB, phối hợp với BLL CCB Sư đoàn 5, Huyện ủy UBND huyện Vĩnh Hưng và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, BLL đang cùng các cơ quan chức năng như Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, Bảo tàng Long An và Phòng VHTT huyện Vĩnh Hưng hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận khu vực chiến trường xưa Long Khốt, trực tiếp là khu vực Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Huyện ủy Vĩnh Hưng đã ra nghị quyết chuyên đề về công việc tình nghĩa này. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và BLL CCB Trung đoàn 174 - Sư đoàn 5 sớm xây dựng mảnh đất chiến trường xưa Long Khốt thành vùng biên giới an ninh, vững mạnh, giàu có và hữu nghị - điểm đến nghĩa tình - tâm linh của du khách cả nước và bạn bè quốc tế.
(*) Đại tá - Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn 174 tại TPHCM