Dùng xe chữa cháy tiếp nước sinh hoạt
Ghi nhận trong ngày 27-7, những hécta lúa của người dân ở xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị nắng hạn đốt cháy đỏ. Dưới chân lúa, đất đai nứt toác, lọt cả bàn chân người lớn.
Bà Nguyễn Thị Tánh (62 tuổi) có 1,5 sào lúa, thuộc HTX Bình Phú 2, đang đứng trước nguy cơ bị khô cháy. Lo thiếu đói, cả tháng nay, bà phải cật lực tìm nước cứu lúa đến thắt cả bụng. Nhiều hộ có điều kiện bỏ tiền đóng giếng giữa ruộng, bơm nước cứu lúa. Bà Tánh nghèo, không có tiền khoan giếng phải bấm bụng chi 300.000 đồng để thuê máy bơm nước cứu lúa.
Gặp chúng tôi giữa cái nắng như thiêu như đốt, ông Khổng Vĩnh Thiên, Chủ nhiệm HTX Bình Phú 2 (Tây Xuân), ngao ngán nói: “Nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay thì ruộng đồng nào không khô cháy, nứt nẻ. Máy bơm, đóng giếng, đủ cách cứu lúa mà vẫn lực bất tòng tâm. Hiện 135ha lúa tại HTX chúng tôi đều bị ảnh hưởng, trong đó có 9ha lúa bị cháy đỏ. Bây giờ đóng giếng, tận dụng hết nguồn nước còn sót lại để cứu được chừng nào hay chừng đó”.
5 HTX ở huyện Tây Sơn đều gieo sạ chung 1 ngày, lúa trổ cùng một thời điểm, đều lấy nước ở đập Hầm Hô. Nhưng đến lúc này thì đập Hầm Hô cũng sắp cạn nên đã xảy ra tình trạng người dân tranh giành nguồn nước với nhau gay gắt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết: “Trong vòng 20 đến 30 năm nay, chưa có đợt hạn nào kinh khủng như năm nay. Hạn từ rừng xuống đồng bằng, ra tận các làng ven biển. Ruộng đồng thì cháy khô, bỏ hoang; cây trên rừng cũng khô quắp chực chờ cháy; người dân thì chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước…”.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 50.000 dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tập trung ở các huyện, thị: Tuy Phước, Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh… Trước tình trạng này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng đến tiếp nước cứu khát cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC- CNCH (Công an tỉnh Bình Định) đã huy động 6 xe chữa cháy, cùng 36 chiến sĩ, liên tục huy động nước ở nhà máy nước sạch các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ để cứu khát cho hàng ngàn hộ dân vùng trọng điểm hạn.
Tiếp tục nắng nóng gay gắt
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), hạn hán đang khiến trên 28.000ha lúa và hoa màu ở Trung bộ bị khô hạn, thiếu nước. Nghiêm trọng nhất là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, với gần 17.000ha đất canh tác của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tại 3 địa phương này có trên 110.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. |
Mặc dù lượng mưa trong tháng tới tăng hơn chút nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8-2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc Trung bộ sẽ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với trung bình từ 40%-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2019.
Còn tại Nam bộ, từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30%-80% và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mê Công thiếu hụt từ 35%-45%. Mực nước tại các trạm trên thượng lưu sông Mê Công ở mức thấp hơn từ 2,5-5,5m; các trạm trung lưu thấp hơn từ 3-6,2m; còn ở hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m.
Tại một số trạm trung, hạ lưu sông Mê Công như Pakse (Lào), Strungtreng (Camphuchia) mực nước đã xuống mức thấp hơn năm 2015 và đạt giá trị thấp nhất cùng thời kỳ. Tại Biển Hồ (Camphuchia) mực nước thấp hơn trung bình khoảng 2m và thấp hơn năm 2015 khoảng 0,5m. Mực nước cao nhất ngày ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình cùng kỳ 0,5-0,9m; xấp xỉ cùng kỳ năm 2010 và thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Như vậy có thể nói là hiện nay dòng chảy trên sông Mê Công đang ở mức rất cạn kiệt.
Dông lốc gây nhiều thiệt hạiNgày 27-7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, UBND quận Thốt Nốt đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ do lốc xoáy xảy ra tại quận này làm 75 căn nhà của người dân bị sập, tốc mái, gây thiệt hại tài sản hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước và nhà kho, bè cá, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng, hư hại. Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ người dân với tổng số tiền 55 triệu đồng. Lực lượng công an, quân sự đã điều động cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường trực tiếp giúp các hộ dân thu dọn, tháo dỡ nhà cửa, di chuyển tài sản, vật dụng đến nơi ở tạm, ổn định cuộc sống. Hiện nay, quận Thốt Nốt đang bố trí các nơi ở tạm nhằm ổn định đời sống cho các hộ dân. Trước đó, mưa lớn kèm theo dông lốc và sấm sét vào chiều 23-7 đã làm thiệt hại gần 880 căn nhà dân trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó có 39 căn sập hoàn toàn. Mưa dông cũng làm 1.190 ha lúa màu, hàng trăm cây ăn trái trên địa bàn thị xã Tân Châu đổ ngã, 1 bè cá bị chìm, 6 kho nhà máy xay xát, lò sấy, 1 cây xăng bị sập, ngã 1 trụ phát sóng, 1 người bị thương do cây ngã đè trúng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các hộ bị thiệt hại; khẩn trương bố trí chỗ ở tạm, cấp phát gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, huy động các lực lượng: công an, quân sự xã, cùng người dân địa phương giúp các hộ bị thiệt hại di dời tài sản, dọn dẹp và sửa chữa lại nhà cửa sớm ổn định chỗ ở. |