Khu chứng tích Sơn Mỹ được trưng bày vô thời hạn các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ của tác giả Ronald L. Haeberle. Clip: NGUYỄN TRANG |
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle làm cơ sở trưng bày lâu dài bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ nhân dân, du khách và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi thông tin tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle là sự thành công, giải quyết vấn đề về bản quyền tác giả ảnh mà từ khi các bức ảnh này được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (từ năm 1978 đến nay), đảm bảo phù hợp với pháp luật của Quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết.
Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ được trưng bày vô thời hạn các bức ảnh của tác giả Ronald L. Haeberle, với chú thích “1968 Ronald L. Haeberle”, Photograph by Ronald L. Haeberle”.
Các bức ảnh được trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ của tác giả Ronald L. Haeberle. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16-3-1968 đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ và ông Ronald L. Haeberle, một phóng viên chiến trường chứng kiến vụ thảm sát đã chụp 60 bức ảnh, gồm 40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu ghi lại cảnh tượng này. Cuối năm 1969, bộ ảnh này được ông đăng trên tạp chí Time, Life và Newsweek.
Ông Ronald L. Haeberle là tác giả các bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ đang trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: NVCC |
Trong số các bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle có bức ảnh màu thể hiện một đứa trẻ che đạn cho một đứa trẻ khác. Bức ảnh này từng làm “dậy sóng” dư luận khi ông Trần Văn Đức (62 tuổi), Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức, tuyên bố ông là nhân vật trong “Bức ảnh Hai đứa trẻ” và em gái trong bức ảnh là bà Trần Thị Hà (56 tuổi, đang sống tại xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi). Bức ảnh này là một trong số 60 tấm ảnh mà ông Ronald L. Haeberle chụp trong vụ thảm sát trưng bày tại khu chứng tích Sơn Mỹ.
Suốt nhiều năm, ông Đức miệt mài soạn thảo, gửi đi hàng chục gói hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng Việt Nam. Thoạt đầu, ông nghĩ chuyện này đơn giản có thể yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh lại chú thích ảnh vì nhiều người dân địa phương có thể làm chứng, trả lại sự thật cho bức ảnh nhưng không ngờ, hành trình tìm sự thật lịch sử cho bức ảnh này kéo dài suốt nhiều năm. Không chỉ gửi đơn thư, gặp gỡ nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát, ông Đức đã gửi email đi khắp nơi dò tìm về hai phi công Mỹ Larry Colburn và Hugh Thompson từng đi trực thăng giải cứu dân làng trong vụ thảm sát.
Tháng 9-2011, sau thời gian dài tìm thông tin, ông Đức đã quyết định bay sang Mỹ tìm gặp ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh hy vọng tìm được manh mối sự thật cho bức ảnh.
Và sau đó, “Bức ảnh Hai đứa trẻ” cũng được ông Ronald L. Haeberle chú thích trở lại là “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”.
Sau lễ ký kết, bức ảnh này được chú thích lại là "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái" theo chú thích tác giả ảnh do Ronald L. Haeberle chụp (1968 Ronald L. Haeberle). |
Sự kiện ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle là điều cần thiết giữa tác giả bộ ảnh và UBND tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo rằng tất cả các bức ảnh màu của ông Ronald L. Haeberle được trưng bày với những thông báo về bản quyền và thống nhất nội dung chú thích, rõ ràng kích thước hình ảnh.
Sự kiện này là điểm xuất phát hướng tới tương lai, thông điệp hòa bình cũng thể hiện mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Du khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: NGUYỄN TRANG |