Trưng bày ra mắt tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn, 63 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ nay đến hết ngày 5-6.
Trong số các họa sĩ Việt Nam, có lẽ Huỳnh Văn Thuận là một trong số ít người đã theo học cả hai ngôi trường hội họa danh tiếng trong nước: Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là Cục trưởng đầu tiên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Tổng thư ký Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam khóa 2.
Ông là bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc. Những hình ảnh gần gũi với đời sống thường nhật được ông đặt vào một bố cục chặt chẽ, dành nhiều sự công phu đến từng chi tiết nhỏ nhất; nổi bật nhất là Thôn Vĩnh Mốc, tác phẩm đoạt giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, hiện là một trong những tác phẩm trụ cột trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
* Ngày 31-5, 16 kiệt tác của 2 danh họa người Áo nổi tiếng thế giới Gustav Klimt và Egon Schiele dưới dạng phiên bản công nghệ số, lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam. Các tác phẩm trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Đây là những bức tranh nổi tiếng nhất: Nụ hôn, Chân dung Adele Bloch Bauer I, Sự sống và cái chết, Cây đời… của Klimt; Tự họa đầu nghiêng, Mẹ và con II, Bốn cây, Đức Hồng y và nữ tu sĩ… của Schiele. Klimt và Schiele sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Họ đã bứt phá khỏi khuôn khổ của nghệ thuật hàn lâm, kinh viện để kiến tạo nên những hình thức nghệ thuật biểu hiện mới mẻ, độc đáo. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 31-7.