Trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ trên không” - 50 năm nhìn lại
SGGPO
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 _ 12-2022), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, TPHCM) đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ trên không” - 50 năm nhìn lại.
Đến tham dự có đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM.
Các đại biểu tham quan chuyên đề
Chuyên đề trưng bày 189 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với những góc nhìn đa dạng và sinh động về những đau thương, mất mát trong chiến tranh cùng ý chí vươn lên, tinh thần yêu chuộng hòa bình gắn với độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.
Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Một chiến dịch hủy diệt, Thích ứng – cuộc sống dưới đạn bom, Bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam đấu tranh, Trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội, Hòa giải.
Chuyên đề “Điện Biên Phủ trên không” - 50 năm nhìn lại mang đến một câu chuyện toàn cảnh về 12 ngày đêm khói lửa, từ nguyên nhân, diễn biến của chiến dịch Linebacker II, đến những nỗ lực của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới để mang đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.
Khu vực tái hiện cảnh ném bom ở Bệnh viện Bạch Mai
Khách tham quan một lần nữa sẽ cảm nhận sâu sắc hơn sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của bom đạn Mỹ, qua đó hiểu và cảm phục hơn ý chí kiên cường, thích ứng linh hoạt của con người Việt Nam trong khói lửa chiến tranh. Dù trong mưa bom vẫn tổ chức học tập, lao động, trực tiếp sản xuất, xây dựng các phương án tác chiến, từ đó đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của quân đội Mỹ năm 1972.
Trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 14.300.000 tấn bom đạn. Riêng trong chiến dịch Linebacker II, từ 18-12-1972, để giành thế mạnh trên bàn đàm phán Paris, Tổng thống Nixon đã tiến hành cuộc tập kích bằng máy bay B-52 cùng hàng ngàn máy bay cường kích ném bom tàn phá miền Bắc. Mỗi chiếc B-52 tham gia Chiến dịch Linebacker II mang từ 19-25 tấn bom, có thể tạo ra diện tích hủy diệt với chiều dài từ 700-1.600m, chiều rộng 150-100m, khoảng cách mỗi hố bom từ 10-50m. Tuy nhiên, với sự mưu trí, dũng cảm, cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Một thời mũ rơm
Trưng bày chuyên đề cũng đồng thời đem đến cho những ai chưa từng trải qua những năm tháng bom đạn chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến về những căn hầm trú ẩn, câu chuyện theo gia đình đi sơ tán, chuyện về sự đùm bọc, thương yêu nhau trong hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả những câu chuyện hàn gắn vết thương chiến tranh giữa cựu phi công hai nước Việt Nam và Mỹ ngày trở lại.
Khách tham quan triển lãm
Chiến tranh kết thúc, Việt Nam đang vươn lên, khắc phục hậu quả chiến tranh và ngày càng phát triển về mọi mặt. Từ hậu quả nặng nề và sự đau thương mất mát trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng hòa bình và mong muốn xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
Chuyên đề trưng bày từ nay đến hết ngày 16-6-2023, tại Phòng đa năng - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3).