Triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam giới thiệu tới người xem 80 bức ảnh quý, được bố cục thành 2 phần.
Phần thứ nhất là các ảnh tư liệu, phần lớn là ảnh đen trắng, được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay. Trong đó, có bản chụp toàn văn Đề cương về Văn hóa Việt Nam in trên Tạp chí Tiên phong số 1 (tháng 11-1945); ảnh về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và văn nghệ sĩ như hình ảnh các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự “Triển lãm văn hóa” tại Nhà Khai Trí - Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ hiện nay) vào năm 1945; Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên, thăm Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng và chơi đàn guitar; Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 vui mừng đón Bác tới dự; Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị sơ kết của ngành văn hóa năm 1958; Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn tại Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960; Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Thiếu sinh quân tại Việt Bắc trong dịp các cháu họp mặt mừng thọ Người 60 tuổi, năm 1950; Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25-11-1961; Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 5-2-1962…
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam |
Phần thứ hai là ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Việt Nam như “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những hình ảnh này sẽ được lưu giữ lại để minh chứng cho việc Xòe Thái từ đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái, đã và đang trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tiếp đến là những hình ảnh nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng khẳng định, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…
Triển lãm cũng trưng bày nhiều ảnh về một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật những năm gần đây như Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới… và những hình ảnh về các hoạt động của ngành VH-TT-DL như hình ảnh lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VH-TT-DL tại Nghệ An; SEA Games 31…
Các bức ảnh trưng bày tại triển lãm cho thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua, từ khi bản Đề cương ra đời đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển văn hoá. |
80 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm tuy chưa thể phản ánh được một cách đầy đủ tất cả các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa nhưng cũng đã cho thấy từ khi bản Đề cương về Văn hóa ra đời đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển văn hoá. Với sự quan tâm đó và những định hướng, chỉ đạo đúng đắn trong đường lối phát triển văn hoá của Đảng, văn hoá Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.