Từ ngày 9-6, tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) trưng bày 33 tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ trẻ đương đại đến từ Huế, Sài Gòn và Hà Nội là Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn.
Trong số 33 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, có 28 tác phẩm hội họa và 5 tác phẩm điêu khắc. Mỗi nghệ sĩ trẻ đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện rất khác nhau.
Với nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè, tác phẩm luôn thể hiện sự chông chênh giữa thực tại và quá khứ. Dù là nghệ thuật sắp đặt hay tranh sơn dầu, các tác phẩm của anh cũng đều lẩn khuất hình bóng bom đạn, máy bay chiến đấu, xe tăng, bộ quân phục... Tất cả như một tiếng vọng đau đáu từ quá khứ, hiển hiện trước mắt người xem. Triển lãm lần này, Nguyễn Văn Hè mang đến 3 tác phẩm sơn dầu: Đất, Nước, Trở dạ.
Người xem khó có thể rời mắt qua các tác phẩm của hoạ sĩ Đỗ Hiệp như Tạm biệt (chất liệu acrylic, giấy dó trên vải, khung sắt), Ánh sáng (chất liệu acrylic, giấy dó trên vải, vỏ trai, sơn then)… Anh đã ghi dấu ấn bằng sự phá cách về màu sắc, khi rực rỡ, khi u tối. Nhưng dù ở phân mảng nào đều được họa sĩ đẩy đến cực hạn của nó: một là sáng - nóng, hai là tối - lạnh đem lại ấn tượng cao về mặt thị giác.
Với Tạ Huy Long, các họa phẩm của anh là cuộc ngược dòng huyền thoại. Các tác phẩm Nhà sư, Phụ lão, Nhạc công… tạo nên một thế giới sắc màu riêng, chỉ thấy trong giấc mộng. Mà giấc mộng ấy cũng qua lâu lắm rồi, như niềm tiếc nuối về một thời quá khứ, thanh bình đồng quê không bao giờ trở lại.
Họa sĩ Lê Thúy là nữ nghệ sĩ duy nhất trong đợt trưng bày tác phẩm này. Cô lựa chọn chất liệu lụa - rất phương Đông, để thể hiện những trăn trở và day dứt đối với cuộc sống. Các sáng tác như Đi về phía?, Dẫn lối… đều mang sự ám ảnh về không gian.
Chệch khỏi quỹ đạo mỹ cảm thông thường, các tác phẩm Nước mắt của Mẹ, Em như thiên thần…của Phạm Tuấn Tú đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó trắng - đen, thiện - ác, nữ - nam... không dễ dàng phân định. Những năm gần đây, Tuấn Tú nổi lên như một hiện tượng độc đáo, riêng biệt trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Có thể nói Bùi Tiến Tuấn là một trong vài nhân tố giúp hồi sinh tranh lụa Việt Nam, trở thành họa sĩ có triển lãm cá nhân tranh lụa gần như đầu tiên ở thế kỉ 21, với các tác phẩm tiêu biểu: Cô nàng quyến rũ, Đỏng đảnh…
Lương Đức Hùng là nhà điêu khắc duy nhất có tác phẩm trưng bày dịp này. Các tác phẩm Từ ngoài vào trong và trống rỗng, Khi tỉnh thức… rất thành công khi biểu đạt những giằng xé, khát khao và cả sự bất lực trong xã hội hiện đại bằng những mảng liền khối, và nổi bật trên đó là hình ảnh con người.