Sáng 17-9, TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Hữu Phượng (tức Phượng “Râu”, 51 tuổi, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) và 24 đồng phạm về các tội danh Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; Đưa, nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, ngày 9-1-2017, Công ty Thảo Trúc của Nguyễn Thành Kiệt (ngụ huyện Cư Jút) và Phượng “Râu” trúng đấu giá hơn 640 m3 gỗ từ nhóm II-VI. Phượng “râu” và Kiệt lợi dụng việc vận chuyển gỗ đấu giá để chở thêm gỗ bất hợp pháp mua tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đưa về huyện Cư Jút tiêu thụ.
Ngày 8-3-2017, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, VQG Yok Đôn và Đồn biên phòng 747 tổ chức đóng dấu búa kiểm lâm số gỗ Kiệt và Phượng “râu” trúng đấu giá. Lúc này, Phượng giao Nguyễn Hoàng Trang (ngụ tỉnh Khánh Hòa) liên hệ Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đưa 120 triệu đồng “bồi dưỡng” cho lực lượng làm nhiệm vụ. Sau đó, Kiệt giao Phan Hữu Quyền (44 tuổi, em Phượng) và Lê Văn Chinh (ngụ huyện Cư Jút) mua thêm gỗ lậu.
Căn cứ sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Nguyễn Hoàng Trang, từ 10-4-2017 đến 27-4-2018, Phượng “râu” cùng đồng phạm vận chuyển hơn 1.400 m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ hợp pháp là 531 m3, gỗ bất hợp pháp hơn 918 m3.
Ngày 27-4-2018, khi 2 xe tải của Phượng “râu” chở gỗ về kho xưởng ở huyện Cư Jút thì bị Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang, thu hơn 44 m3 gỗ không có giấy tờ. Khám xét các kho bãi tại huyện Cư Jút, cơ quan chức năng còn thu giữ hơn 534 m3 gỗ bất hợp pháp. Tổng khối lượng gỗ lậu được cơ quan điều tra thu giữ hơn 632 m3, trị giá trên 3 tỷ đồng.
Để vận chuyển gỗ bất hợp pháp trên về huyện Cư Jút mà không bị lực lượng chức năng bắt giữ, Phượng “râu” và đồng phạm hối lộ cho nhiều cán bộ, với số tiền hơn 282 triệu đồng.
Tại phiên tòa, trong phần xét hỏi, Phan Hữu Phượng cho biết năm 2017, Công ty Thảo Trúc của Nguyễn Thành Kiệt (ngụ huyện Cư Jút) và Phượng “Râu” trúng đấu giá hơn 640 m3 gỗ từ nhóm II-VI tại VQG Yok Đôn huyện Buôn Đôn.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Phan Hữu Phượng khai, do số lượng gỗ công ty mình trúng đấu giá ít nên giao Công ty Thảo Trúc lo toàn bộ hồ sơ, liên hệ kiểm lâm để đóng búa số gỗ trúng đấu giá.
“Khi đóng dấu búa, Kiệt không bàn bạc với bị cáo và việc Công ty Thảo trúc gặp cán bộ Hạt kiểm lâm Buôn Đôn và Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk để lo chi phí như thế nào bị cáo không biết”, bị cáo Phượng khai.
Bị cáo Phượng “râu” cũng khai nhận, sau khi vận chuyển gỗ về xưởng thì phát hiện gỗ bị hư hỏng nhiều. Để bù vào số gỗ đã cho ông Y Sy H’đơr và những cán bộ khác nên bị cáo và Kiệt mới bàn mua thêm gỗ trôi nổi trà trộn vào. Nhưng Phượng "râu" lại cho rằng mình không biết Trang đưa tiền cho cơ quan chức năng để “mua đường”.