Theo đó, giao cho Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND phường Phổ Thạnh và các cơ quan liên quan lập phương án trục vớt, xử lý xác tàu tại đầm nước mặn Sa Huỳnh. Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ yêu cầu phương án trục vớt và xử lý phải đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm, thể hiện chi tiết các khâu gồm trục vớt, thu gom, vận chuyển, xử lý. Phương án gửi về UBND thị xã trước ngày 10-6-2023.
Xác tàu neo đậu tại đầm nước mặn Sa Huỳnh bị đắm gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan |
Qua đó, từng bước thu gom xử lý 26 xác tàu tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, giúp tàu thuyền neo đậu thuận lợi, không bị cản trở bởi các xác tàu, đồng thời góp phần thực hiện theo đúng quy định về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tàu đắm gây cản trở hoạt động neo đậu của các tàu cá khác |
Xác tàu trở thành phế liệu ngay cửa biển |
Tình trạng xác tàu đắm ngổn ngang ở đầm nước mặn Sa Huỳnh đã diễn ra nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường, cản trở tàu thuyền ra vào, neo đậu.
Không chỉ ở Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ mà ở cửa sông Phú Thọ giáp ranh xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, hiện có nhiều tàu cá không hoạt động, tàu chìm.
Tàu cá bị chìm gây ô nhiễm môi trường |
Theo báo cáo của UBND TP Quảng Ngãi, hiện ở cửa sông Phú Thọ có 12 tàu cá gồm 10 tàu của ngư dân xã Nghĩa An và 2 tàu của ngư dân xã Nghĩa Phú đang neo đậu, chìm, ảnh hưởng rất lớn đến việc ra vào, neo đậu tàu thuyền tại cửa biển này.
Chủ tàu rất xót xa khi nhìn tàu cá bị chìm nhưng lại không đủ kinh phí để sửa chữa tàu do khai thác thua lỗ, nợ ngân hàng |
Những con tàu này từng là niềm tự hào của ngư dân, nay trở thành tàu đắm |
Khai thác thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của các xã ven biển thuộc thành phố Quảng Ngãi, nhất là xã Nghĩa An, Nghĩa Phú. Thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhà nước đã tạo điều kiện, khuyến khích để người dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, nâng cao năng lực đánh bắt, hỗ trợ nhiên liệu cho tàu thuyền khai thác trên các vùng biển xa… nên giai đoạn 2010-2015, sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống ngư dân ăn nên làm ra.
Từ đó, ngư dân ồ ạt vay vốn ngân hàng để đua nhau đóng mới, nâng cấp tàu thuyền. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến năm 2018, ngư trường biển thường xuyên bị mất mùa, tàu thuyền khai thác bị thua lỗ. Chưa hết, cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, thủy sản khai thác không tiêu thụ được, nhiều tàu phải neo đậu bờ từ giữa năm 2018 đến nay, kinh tế của ngư dân ngày càng khó khăn hơn.
Tại làng chài Nghĩa An, người dân đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống, bỏ lại những xác tàu |
Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân, không có khả năng trả nợ, nhất là nợ vay ngân hàng, dẫn đến nợ xấu, nên ngân hàng khởi kiện ra tòa, kê biên tài sản để thu hồi nợ. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều chủ tàu đành phải neo đậu tàu tại cửa sông Phú Thọ để đi làm thuê, không có người trông coi, không được bảo dưỡng, sửa chữa nên tàu bị xuống cấp, chìm tại nơi neo đậu.