Các công ty này gồm: Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS - xử lý chất thải rắn sinh hoạt); Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn thải từ trạm xử lý nước thải Bình Hưng và bùn nạo vét cống, sông, kênh rạch); Công ty CP Dịch vụ Môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý bùn bể phốt).
Kiểm tra tại Công ty VWS
Tại Công ty VWS, đoàn giám sát và người dân đến khảo sát trực tiếp tại bãi chôn lấp hợp vệ sinh; khu xử lý nước rỉ rác; tham quan nhà máy sản xuất phân compost; nhà máy phân loại rác…
Khi đoàn giám sát đến bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng là thời điểm đang mở bãi để tiếp nhận rác. Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty VWS cho biết, do vành đai cây xanh cách ly chưa hoàn thiện nên khi thời điểm mở bãi để tiếp nhận rác nếu không có cơn gió mạnh thổi qua thì không có khả năng phát tán mùi môi. Do vậy khi tiếp nhận rác, chúng tôi tính toán giới hạn diện tích và thời gian mở bãi, đồng thời sử dụng hệ thống khử mùi công suất cao để khống chế mùi hôi hiệu quả hơn. Chúng tôi được thành phố giám sát kiểm mùi hôi 5 lần/ngày, 3 lần vào ban ngày, 2 lần ban đêm.
“Trước giờ tôi chỉ nghe chứ chưa bao giờ được trực tiếp đến đây, hôm nay đến tôi thấy bãi rác được che đậy rất kỹ, không nghe mùi hôi”. Ông Nguyễn Ngọc Minh, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết khi đến khảo sát trực tiếp tại khu chôn lấp hợp vệ sinh của Công ty VWS.
Ông Nguyễn Văn Phê, xã Nhân Đức, huyện Nhà Bè cho biết, xã Nhân Đức cách Khu xử lý chất thải Đa Phước chỉ một con sông, 10 năm trước vào buổi chiều gió thổi qua có mùi rất khó chịu, nhưng bây giờ không còn nữa. Tôi ấn tượng nhất là khu xử lý nước rỉ rác, nước đã qua xử lý có thể uống được.
Kiểm tra tại Công ty Sài Gòn Xanh và Hòa Bình
Sau khi khảo sát hoạt động tại Công ty VWS, Đoàn giám sát và người dân đến Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và Công ty CP Dịch vụ Môi trường đô thị Hòa Bình.
Sau khi tham quan, người dân phát biểu ý kiến để đoàn ghi nhận. Ông Nguyễn Thành Mỹ, ấp 1, xã Phong Phú cho biết, nhà tôi cách Công ty Sài Gòn Xanh 200m, cách 1 con sông, bị ảnh hưởng rất lớn do mùi hôi. Ngoài ra việc trồng trọt chăn nuôi của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng.
Bà Hồng Thu, ở khu dân cư Green Valley, quận 7 cho biết: “Thường ngày, ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần khu vực bờ sông, khu vực Trường học Đinh Thiện Lý chúng tôi ngửi thấy mùi bùn tươi. Hôm nay khi đi tham quan nhà máy Sài Gòn Xanh chúng tôi ngửi thấy đúng mùi này (khu ủ bùn của nhà máy xử lý Bình Hưng)”.
Bà Tô Hồng Trang, quận 7 nói: “Khi xe đi tham quan dừng trước nhà máy xử lý, vừa mở cửa xe là nghe mùi xộc vào nồng nặc. Do vậy vấn đề chúng tôi đặt ra là phía công ty phải đưa ra những biện pháp để xử lý việc phát tán mùi hôi ra môi trường”. Bên cạnh đó, người dân ở các quận, huyện đề nghị thành phố sớm triển khai vành đai cây xanh cách ly để giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi, sớm di dời người dân ra khỏi vùng cách ly. Đồng thời đề nghị thành phố phải có biện pháp hỗ trợ các nhà máy chuyển đổi công nghệ, chấm dứt áp dụng công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. Thành phố tích cực hơn trong triển khai phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu chất thải chôn lấp.
Ông Nguyễn Hoàng Danh, xã Phong Phú cho biết, nhà ông ở sát quốc lộ 50, những xe chở rác, chất thải để chảy nước rỉ rác xuống đường bốc mùi hôi thối. Ông đề nghị cần phải có biện pháp xử lý các phương tiện gây ô nhiễm.
Tổng kết sau khi đoàn giám sát cùng người trực tiếp đến 3 công ty trong Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Chất thải thuộc Sở TNMT TPHCM nhận định:
Về lộ trình chuyển đổi công nghệ: Đề nghị Chủ đầu tư là Công ty VWS sớm triển khai đề án chuyển đổi công nghệ xử lý theo chủ trương của Thành ủy - UBND TPHCM. Công ty trình dự án và có lộ trình cụ thể để công bố cho người dân biết.
Về giám sát, ghi nhận mùi hôi: Hiện nay, Sở TNMT và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục cập nhật thông tin phản ánh mùi hôi và tổ chức khảo sát khu dân cư để ghi nhận, và có biện pháp trao đổi với các công ty để điều chỉnh các giải pháp khống chế mùi hôi.
Ghi nhận ý kiến của người dân về các nội dung: phân loại chất thải tại nguồn, chuyển đổi công nghệ. Thành phố nhìn nhận đến nay các công nghệ xử lý rác hiện tại có nhiều hạn chế về bảo vệ môi trường nên việc chuyển đổi công nghệ đang được thành phố quyết liệt chỉ đạo sở ngành liên quan thực hiện. Ghi nhận ý kiến người dân về công bố kết quả quan trắc môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Sớm triển khai di dời người dân sống trong khu quy hoạch cây xanh cách ly và triển khai dự án trồng cây xanh cách ly.
Đề nghị Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân và sớm có biện pháp bổ sung để mùi hôi của nhà máy không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. 2 nhà máy xử lý là Công ty Sài Gòn Xanh Công ty Hòa Bình phải tự đánh giá và đề xuất đầu tư công nghệ phù hợp theo định hướng phát triển của thành phố. Sở TNMT TPHCM tổng hợp ý kiến của người dân, phối hợp UBMTTQVN TPHCM báo cáo UBND TPHCM các nội dung ý kiến của người dân và kiến nghị các biện pháp giải quyết.