Xây dựng văn hóa trong nghiên cứu
Trong bài viết “Một bản đồ đạo văn khoa học vòng quanh thế giới” được công bố vào năm 2014 trên tờ Fastcompany (Mỹ) đã đưa ra một bản đồ thể hiện tần suất đạo văn của các nước trên thế giới qua khảo sát của Science từ những bài công bố quốc tế nộp qua cổng arXiv.org.
Trong bản đồ này, việc Việt Nam được tô màu đỏ đậm thể hiện tần suất đạo văn của các tác giả Việt Nam là khoảng 15% - mức độ khá cao (cao nhất là 20%). Con số này cho thấy nước ta đang là một trong những điểm nóng về tình trạng “đạo văn” so với các nước khác trên thế giới.
PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, bày tỏ: “Theo tôi, có 2 yếu tố quan trọng về vấn đề liêm chính trong khoa học. Thứ nhất là văn hóa nghiên cứu khoa học của từng nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu. Mỗi người cần phải xác định được ranh giới mà một nhà khoa học trung thực, ngay thẳng không thể bước qua.
Thứ hai, ngay tại mỗi cơ sở nghiên cứu cần phải có các quy định cụ thể về liêm chính học thuật, trên cơ sở đó mới từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, tương tự như các nước châu Âu, Mỹ đã làm.
Cùng với đó, cần phải có sự nỗ lực cả từ hai phía: về phía cộng đồng khoa học, cần phải thảo luận rộng rãi về vấn đề này; về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải chú trọng và tăng cường hơn nữa các yêu cầu về liêm chính trong nghiên cứu khoa học”.
Theo các chuyên gia, để xây dựng một nền khoa học có trách nhiệm, cần phải quan tâm đầy đủ để cả 3 trụ cột: đạo đức nghiên cứu khoa học, tính liêm chính của nhà khoa học và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghiên cứu khoa học. Về phía các cơ sở đào tạo, nên nỗ lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế bằng thực lực hiện có của mình theo các chuẩn mực quốc tế; nên xem việc nghiên cứu, công bố quốc tế là nhiệm vụ của nhà khoa học chứ không phải dùng tiền để làm mồi nhử. Nếu có thưởng thì quy chế cũng ràng buộc kỹ càng: đăng trên các tạp chí dỏm thì phải hoàn tiền.
Để giải quyết vấn đề nóng hiện nay đó là việc lạm dụng chữ ký trên các công bố khoa học, một nhà khoa học biên chế trường A nhưng khi công bố quốc tế lại ghi ở một trường X, Y…, GS Le Gall, Chủ tịch Hội đồng liêm chính học thuật Pháp, cho rằng, giá trị cốt lõi nhất mà nhà khoa học cần đảm bảo trong công việc của mình là tính trung thực.
Tập trung vào chất lượng tự thân trong công việc nghiên cứu, đòi hỏi cao ở chính bản thân về sự liêm chính, không thỏa hiệp với những hành vi gian dối khi xuất bản kết quả nghiên cứu, đó chính là lời khuyên dành cho mọi nhà nghiên cứu trẻ muốn phát triển và củng cố tinh thần liêm chính học thuật của mình. Mỗi cơ sở đào tạo cũng nên thành lập ủy ban đạo đức về khoa học và quy định xử phạt nghiêm khắc những hiện tượng này.
Thiết lập hàng rào kỹ thuật liêm chính
Vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học đang là vấn đề khá nhức nhối tại Việt Nam hiện nay, với những biểu hiện đa dạng khác nhau. Việc tìm kiếm và áp dụng những giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm bảo đảm sự nghiêm minh, trong sáng và công bằng cho khoa học.
Theo GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), việc bán bài báo cho cơ sở nghiên cứu khác không vi phạm pháp luật, nhưng họ đã vi phạm liêm chính khoa học trong việc tiếp tay cho cơ sở nghiên cứu khác ngụy tạo thành tích. Việc này sẽ làm mất uy tín khoa học của họ trong cộng đồng và sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xét chức danh cho họ, vì việc cho điểm công trình và lá phiếu bầu phụ thuộc vào hội đồng ngành (đại diện cho cộng đồng).
Ngoài ra, nếu Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Nafosted nghiệm thu các công bố ghi địa chỉ khác cơ quan chủ quản sẽ vô hình trung tiếp tay cho việc dùng tiền ngân sách tài trợ cho sự không trung thực trong khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống phát triển liêm chính học thuật tại Pháp, GS Le Gall cho rằng, chính nước Pháp đã đi sau so với nhiều nước khác, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ và Bắc Âu. Nhưng nhờ sự kiên trì và những nỗ lực bền bỉ suốt từ năm 2010, Pháp đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này.
Trong đó, đáng kể nhất là việc thành lập Văn phòng Liêm chính học thuật Pháp (OFIS) và xây dựng mạng lưới các cán bộ đại diện liêm chính tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Đồng thời, nền tảng pháp lý cũng được hoàn thiện nhằm điều tiết tốt hơn các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ, đạo đức nghề nghiệp của viên chức nghiên cứu và các bộ quy tắc ứng xử hay thỏa ước về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Từ kinh nghiệm của nước Pháp, GS Le Gall cho rằng, để thực sự phát triển tinh thần liêm chính trong cộng đồng khoa học cần phải có nỗ lực từ nhiều phía, ở cả 3 cấp độ: cơ sở nghiên cứu, quốc gia và quốc tế. Trong đó, vai trò quan trọng và thiết yếu đầu tiên vẫn là cá nhân nhà nghiên cứu.
Vì dù mỗi cơ sở nghiên cứu và mỗi nhà nghiên cứu có thể có những định hướng chuyên môn khác nhau, nhưng tất cả đều có những nguyên tắc chung về phương pháp cần tuân thủ, nhằm không ngừng đóng góp cho xã hội những khám phá, hiểu biết khoa học mới có giá trị.
Theo PGS-TS Vũ Công Giao, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản nhưng chưa ban hành một văn bản pháp luật nào cụ thể về liêm chính học thuật. Duy nhất trong quy chế đào tạo sau đại học, thì liêm chính học thuật chỉ là một nội dung rất nhỏ, trong khi đó nhiều nước đã có quy chế riêng về liêm chính học thuật.
Do đó, cần xây dựng một bộ quy chế với những quy định cụ thể về liêm chính học thuật nói chung, trong đó có quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học áp dụng chung cho giới nghiên cứu khoa học trong cả nước, kèm theo những chế tài xử phạt.
Cảnh báo tạp chí mạo danh, lừa đảo của Retraction Watch
|