“Móc” tiền thưởng
Chính vì mức treo thưởng hấp dẫn cho mỗi bài báo quốc tế cùng với việc dễ dãi trong thẩm định và xét duyệt, nhiều cơ sở đào tạo đã tạo kẽ hở để một số nhà khoa học dỏm nước ngoài móc ngoặc với các tạp chí mạo danh (hay gọi là tạp chí săn mồi) có tên rất giống với các tạp chí trong danh mục ISI/Scopus để thiết lập với một số nhà môi giới trong nước. Sau đó, tiếp cận bằng cách trực tiếp gửi email đến các trường đại học (ĐH), gửi cho cá nhân hoặc phòng quản lý khoa học, hợp tác quốc tế, mời đăng bài trên tạp chí kèm mức phí từ vài trăm USD đến vài ngàn USD. Với chiêu trò này, nhiều trường ĐH, nhà khoa học muốn chạy theo thành tích ảo, sập bẫy vì trả tiền thật nhưng bài lại đăng trên tạp chí “dỏm”.
Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu, năm 2020, đề tài “Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chương trình nông thôn mới tại các huyện ngoại thành trên địa bàn TPHCM” do bà B.H.T. (Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM) làm chủ nhiệm, đã được Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TPHCM) cấp kinh phí 90 triệu đồng (theo Chương trình Vườn ươm).
Từ đề tài này, 2 tác giả B.H.T. và P.T.H.Ng. viết thành bài báo đăng tạp chí Multicultural Education vào năm 2021, và sau đó được nhà trường thưởng 60 triệu đồng. Trong tháng 6-2020, bài báo của nhóm tác giả N.T.M.L., P.T.H.Ng. được đăng trên tạp chí Journal of Security and Sustainability Issues. Tạp chí này tại thời điểm xuất bản volume 9-2020 còn nằm trong danh mục Scopus (xếp hạng Q2), nhưng không lâu sau đó đến volume 10-2020 bị văng khỏi danh mục Scopus.
Điều lạ là cùng nội dung bài báo nhưng lại có 2 phiên bản tác giả nằm ở 2 website khác nhau. Trong phiên bản 2 có thêm tên tác giả Đinh Trần Ngọc H. (đang làm nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Ngân hàng TPHCM).
Ông này liên kết với các tạp chí dỏm, giả website, đường link của các tạp chí thật rồi gửi thông tin đến phòng quản lý khoa học ở các trường, hoặc gửi trực tiếp cho các giảng viên giới thiệu đăng bài và kèm theo chi phí; đứng tên trong các bài báo được các tác giả gửi đến nhờ đăng.
Ngoài ra, còn có bài báo của nhóm tác giả P.T.H.Ng., L.T.Đ., H.T.H., L.T.T.H. đăng trên tạp chí dỏm Academy of Strategic Management Journal (đã bị loại khỏi danh mục Scopus). Sau đó, nhóm tác giả này được Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM thưởng 60 triệu đồng/bài.
Chưa hết, 2 bài báo của nhóm tác giả P.T.H.Ng. và P.T.Đ. đăng trên tạp chí Hunan Daxue Xuebao/Journal of Hunan University Natural Sciences (được xếp hạng Q2), nhưng thực chất là tạp chí giả mạo, cũng được nhà trường thưởng 80 triệu đồng... Việc làm này đã khiến nhiều giảng viên của trường bức xúc vì gian dối trong nghiên cứu, công bố quốc tế để lấy tiền thưởng.
Tương tự, tại Trường ĐH Văn Lang, tiến sĩ V.M.H., trong năm 2021, đã công bố hơn 40 bài báo trên các tạp chí khoa học nước ngoài (trung bình gần 4 bài/tháng), trong khi đó năm 2020, ông cũng có đến 20 bài. Truy xuất trên cơ sở dữ liệu thành viên nhóm Liêm chính khoa học (do các nhà khoa học uy tín trong nước tự thành lập năm 2020, gồm nhiều giáo sư ngành toán, CNTT, ngành y ở Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các trường ĐH trong nước, nhằm thúc đẩy đạo đức và liêm chính học thuật.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước từ năm 2021 cũng xem thông tin từ nhóm Liêm chính khoa học là kênh để đối chiếu, kiểm tra trước khi phong hàm PGS-GS cho các ứng viên) cho biết, có nhiều bài của ông H. đăng trên các tạp chí dỏm, mạo danh.
Đáng nói hơn là vị này còn viết nhiều bài báo về các vấn đề ở Nigeria, Ghana và xuất hiện với ông trong các bài báo là một nhóm tác giả ở các trường ĐH tại Nga, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia…
Một cán bộ của Trường ĐH Văn Lang cho biết, hiện phòng khoa học đã ghi nhận 30 bài báo của tiến sĩ H., trong đó có cả những bài đã bị loại khỏi danh mục ISI/Scopus, để duyệt mức thưởng.
Gian dối để xét chức danh, học vị
Ngoài rút ruột tiền thưởng, nhiều nhà khoa học phi liêm chính còn gian dối để hoàn thành chỉ tiêu, có minh chứng để được xét duyệt PGS, GS. Năm 2020, khi Hội đồng Giáo sư ngành y học thông qua thì ngay lập tức 21 ứng viên GS, PGS bị tố cáo không trung thực. GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã nhận được email tố cáo và đã gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Thanh tra Bộ GD-ĐT về một số bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế của 16 ứng viên GS, PGS 2 ngành y, dược.
Báo cáo thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu cho thấy, 12/16 ứng viên ngành y, dược bị tố cáo không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài theo yêu cầu đối với ứng viên GS, PGS; chỉ có 3/16 ứng viên PGS có đủ số bài theo yêu cầu đối với ứng viên PGS; một ứng viên sau khi bị tố cáo đã tự nguyện xin rút hồ sơ nên hội đồng không xem xét, kiểm tra. Hầu hết bài đăng báo của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí Open Access. Đây là các tạp chí mở, thu tiền đăng bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt nên thường có chất lượng thấp…
Ở ngành y có 10 ứng viên GS, PGS bị tố cáo; 3 ứng viên GS đã được Hội đồng Giáo sư ngành y thông qua đều bị cho là không đủ tiêu chuẩn 5 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; ngoài ra có một ứng viên không đủ giờ giảng.
Đến năm 2021, việc xét GS, PGS cũng tiếp tục lùm xùm về việc các ứng viên có bài đăng trên các tạp chí dỏm. Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được hội đồng ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, GS-TSKH Ngô Việt Trung, thành viên hội đồng ngành toán học (Hội đồng Giáo sư Nhà nước), đã lên tiếng và gửi thư đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước rà soát lại việc xét công nhận GS, PGS ở các hội đồng ngành, không chỉ bởi chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” mà còn có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học ở nhiều ứng viên.
Cụ thể là ứng viên Ng.M.T., ứng viên GS Hội đồng liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học, đã công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh như: công trình “Preventing and Combating Political Opportunists in Vietnam Today” (Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay) đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Giáo dục toán học và máy tính Thổ Nhĩ Kỳ) 12, no. 10 (2021), viết tắt là Turcomat.
Kiểm tra cho thấy hội đồng biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là TS Đinh Trần Ngọc H., 3 người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hoặc tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, và tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ (!?).
Toàn bộ các bài báo của số báo mà ứng viên Ng.M.T. đăng bài cũng không liên quan gì đến khảo cổ. Ngoài ra, ứng viên Ng.M.T. còn đăng bài trên một số tạp chí “quốc tế” có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập. Một thành viên của nhóm Liêm chính khoa học khẳng định, trong 8 bài báo quốc tế uy tín mà ứng viên Ng.M.T. kê khai trong hồ sơ thì có 7 bài đăng ở các tạp chí hoạt động phi pháp, giả mạo ở nước ngoài.
Ông P.V.T., cán bộ khoa học của một trường ĐH lớn tại phía Nam, cho biết, ông đã phát hiện việc hàng loạt nhà khoa học Việt Nam đăng bài ở các tạp chí mạo danh để có thành tích công bố quốc tế khi làm hồ sơ xét GS, PGS, phổ biến là các ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn.
Ông đã lên tiếng ở một số diễn đàn về hiện tượng này liên quan tới đợt xét GS, PGS năm 2021 nhưng không được quan tâm… Và năm 2022, sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS thì trên nhiều diễn đàn vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều về các công trình của các ứng viên đã đăng trên các tạp chí.
Theo Tiến sĩ Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ), sau khi ông cùng đồng nghiệp trong nhóm Liêm chính khoa học công bố 3 bài viết về hậu quả của việc mua bài báo nhằm tạo thành tích ảo, gian lận xếp hạng ĐH, đánh lừa người học và xã hội, có tới 5 bài báo của các tác giả ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 2 bài của các tác giả ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân liên tục bị nhiều tạp chí rút bỏ vì gian lận. Những bài báo vừa bị gỡ bỏ không phải hậu quả cuối cùng của vấn nạn mua bán bài báo khoa học mà có lẽ chỉ là khởi đầu của những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài hơn. |