Tự tước bỏ cơ hội sống
Vì tin theo lời một người đàn ông được cho là “thầy thuốc Nam” nổi tiếng ở Vĩnh Long, chị N.T.H. (51 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) đã bị hoại tử khối u ở ngực vì đắp lá. Theo tìm hiểu, chị H. bị ung thư vú và được chỉ định điều trị tại bệnh viện, thế nhưng, chị H. lại bỏ về quê và đến “thầy thuốc Nam” chữa trị. Sau khi quay lại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM điều trị, khối u ở vùng ngực bên phải của chị H. đã hoại tử và bệnh tình diễn tiến nặng hơn. Lúc này, chị H. và gia đình cứ tặc lưỡi hối tiếc: “Phải chi đến bệnh viện sớm hơn, phải chi đừng nghe lời đồn không có căn cứ!”.
Cũng vì nghe theo phương pháp chữa bệnh ung thư phổi bằng cách nấu các loại lá cây để uống, ông H.V.H. (57 tuổi, ngụ tại Long An) đã qua đời vì ung thư phổi di căn vào não.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm, Phó trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Thống Nhất, ông H. bị ung thư phổi được chỉ định điều trị và khả năng ngăn chặn bệnh di căn sẽ rất cao nếu bệnh nhân tiến hành điều trị ngay. Tuy nhiên, ông H. lại được người thân đưa về quê tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Khoảng hơn 4 tháng sau quay lại bệnh viện thì ông H đã bị bệnh di căn đến não và qua đời sau thời gian điều trị tích cực tại bệnh viện.
“Đây là ca bệnh khiến chúng tôi rất đau lòng và tiếc nuối, vì bệnh được phát hiện trong thời gian còn có thể điều trị được nếu áp dụng đúng kỹ thuật chuyên môn”, bác sĩ Nguyễn Đắc Nhân Tâm bày tỏ.
Mới đây, cộng đồng mạng và các y bác sĩ không khỏi bàng hoàng trước thông tin về bệnh nhi gái 30 tháng tuổi (ở Thái Nguyên) được chẩn đoán ung thư máu nhưng không điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương mà gia đình bé lại đặt niềm tin vào lời quảng cáo “chỉ cần chữa bệnh bằng thực dưỡng, bé chắc chắn khỏi bệnh”. Cháu bé tử vong sau đó, trong sự xót thương của nhiều người và nỗi ân hận vì sự cả tin của cha mẹ.
GS-TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K Trung ương, cho biết: “Trong cơ thể của bệnh nhân ung thư tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Do vậy, nếu kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein mà chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường (vì nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư) là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học”.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, các bác sĩ cũng thường xuyên phải giải quyết “hậu quả” cho nhiều bệnh nhân ung thư vì cả tin, u mê áp dụng các phương pháp điều trị phản khoa học, hay mua các loại thực phẩm chức năng, thuốc trôi nổi trên mạng điều trị ung thư. Không ít bệnh nhân ung thư đáng lẽ ra họ có thêm cơ hội sống một, hai chục năm, nhưng đã bị tước bỏ chỉ vì uống thuốc Nam, thuốc gia truyền, đắp lá, hay nhịn ăn để chữa ung thư.
Nỗi lo “cò” bệnh viện
Mặc dù Bệnh viện Ung bướu TPHCM có tới 2 cơ sở khám chữa bệnh ở quận Bình Thạnh và quận 9 nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Tại khu vực trước cổng cơ sở quận Bình Thạnh lâu nay mọc ra rất nhiều phòng khám, tầm soát ung thư. Tại đây, nhiều đối tượng cò mồi tìm đủ cách, đánh vào tâm lý muốn khám nhanh để dụ dỗ, lôi kéo người bệnh ngoại tỉnh tới khám bệnh. Thế nhưng, những bệnh nhân muốn khám nhanh chưa được, đã phải ngậm ngùi, bức xúc vì không chỉ mất tiền mà còn không được khám bệnh tại cơ sở y tế theo như mong muốn ban đầu. Tương tự, tại Bệnh viện K Trung ương cũng có 4 cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội, tuy nhiên một phần vì sợ đông, một phần muốn khám nhanh, nhiều bệnh nhân đã vô tình dính bẫy “cò” bệnh viện.
Qua tìm hiểu, những ổ nhóm cò mồi với nhiều thủ đoạn tinh vi thường xuyên hoạt động. Các đối tượng thường lân la lôi kéo người bệnh tới khám, nhằm dụ dỗ đưa họ vào phòng khám ung bướu bên ngoài cổng bệnh viện. Sau khi bước chân vào phòng khám, để cho người bệnh móc hầu bao nộp tiền, các “cò” hứa hẹn sẽ đưa vào bệnh viện khám và xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, việc lấy máu xét nghiệm được thực hiện trực tiếp ngay tại phòng khám. Nếu người nào còn nghi ngờ thì lập tức được “cò” trấn an bằng câu trả lời: “Làm trước giờ, lấy máu với chọc tế bào cho nhanh, sau đó đưa vào viện làm nốt, chỉ trong một buổi là có kết quả”. Tinh vi hơn, nhóm “cò” còn vẽ ra trước mắt những người đi khám bệnh rằng, các phòng khám tư ở đây đều có liên kết với bệnh viện, hay có bác sĩ trong bệnh viện đứng sau “bảo kê”, để họ tin tưởng nộp tiền cho phòng khám.
Tuy nhiên, sau khi người bệnh nộp tiền cho phòng khám, họ vẫn phải chờ đợi rất lâu mới có người đưa đi khám, nhưng lại được đưa tới những cơ sở khám bệnh khác trên địa bàn thành phố chứ không phải vào trong Bệnh viện K. Vì thế, khi nhận được kết quả, không yên tâm trước các kết quả đó, nhiều người đã phải vào Bệnh viện K khám lại. “Đấy là những kẻ vô lương tâm, lừa đảo, trục lợi trên cả sức khỏe của người bệnh”, bà Hương (62 tuổi, ở Hòa Bình) phẫn uất khi bị các đối tượng lừa mất 2 triệu đồng tiền khám, xét nghiệm ở phòng khám tư. Đáng buồn hơn, nhiều người khi biết mình bị lừa nhưng vì không muốn liên lụy nên các bệnh nhân cũng đều “ngậm bồ hòn” cho qua và không trình báo cơ quan công an.
Gánh nặng quá lớn
Không chỉ gây thiệt hại, ảnh hưởng về kinh tế, xã hội mà bệnh ung thư còn là một gánh nặng lớn về bệnh tật, khi số người mắc, tử vong do căn bệnh này đang tăng rất nhanh và đứng đầu trong số các bệnh không lây nhiễm ở nước ta.
Theo bác sĩ Phan Tấn Thuận, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trung bình mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 2.000 người tới khám các loại bệnh về ung bướu. Mặc dù bệnh ung thư gia tăng nhưng hiện nay việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này ở nước ta có rất nhiều tiến bộ. Nhiều loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90%, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng. Đặc biệt, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm và thậm chí 30 năm. Không chỉ có vậy, không ít người nước ngoài đã tin tưởng tìm tới Bệnh viện Ung bướu TPHCM để được điều trị bệnh với kết quả rất tốt.
Bệnh ung thư khó điều trị, tốn kém nhất khi bệnh nhân vào viện ở giai đoạn muộn; việc điều trị bệnh ung thư cần sự phối hợp của nhiều phương pháp như mổ, xạ trị, hóa trị, thuốc sinh học… “Bất cứ một phương pháp điều trị nào, hay một loại thuốc điều trị ung thư nào, đều phải được thử nghiệm rất cẩn thận, qua nhiều giai đoạn trước khi được chấp nhận đưa vào điều trị ung thư. Bệnh nhân chẳng may bị ung thư, nên đến các cơ sở chuyên về ung bướu để được điều trị đúng mức; tránh điều trị tại những nơi không được cấp phép, không tin cậy, nhằm ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Phan Tấn Thuận khuyến cáo.
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong xạ trị ung thưNgày 27-11, Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Tiến bộ trong xạ trị ung thư”. Tại hội thảo, PGS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, xạ trị là 1 trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại, ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng xấp xỉ 50%. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến nay, cả nước đã có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: xạ trị theo hình khối u (3D-CRT); xạ trị điều biến liều (IMRT); xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT); xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC)... góp phần cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. KHÁNH NGUYỄN |