Họ phải làm báo, kinh doanh, buôn bán và nhiều nghề khác. Nhà thơ chuyên nghiệp là vậy, còn những người thơ không chuyên ở các câu lạc bộ (CLB) thì sao? Không những họ phải tốn tiền in thơ mà còn phải tốn tiền cho những kẻ lợi dụng lòng yêu thơ của họ để trục lợi.
Thơ vườn
Cả đời công việc chuyên ngành/Về hưu cụ bỗng hóa thành nhà thơ!
Phường tôi ở có gần 20 bác cán bộ công tác trong ngành công an, quân đội và chính quyền. Về hưu, các cụ ngẫu hứng mần thơ và tự lập CLB thơ phường, cùng nhau sinh hoạt, giao lưu.
Một số phường lân cận cũng có những CLB hoạt động theo hình thức tương tự. Họ luôn mời mọc qua lại cho có số lượng. Xem qua, đa số các cụ đều làm thơ theo kiểu hò vè, ráp chữ cho ra vần điệu như: Dạo quanh Tân Phú sáng nay/ Đi trên đường mới cả ngày mà vui, hoặc: Hẻm ta nay đã thành đường/Càng ngày càng thấy phố phường đông vui… Nếu xem đây như là một giải pháp tinh thần cho các cụ an vui tuổi già thì không nói gì, nhưng ngược lại, có kẻ lợi dụng tinh thần yêu thơ của các cụ để khai thác trục lợi.
Đầu tiên, họ lân la đến các CLB này làm quen và xin được giao lưu thơ. Sau đó, họ chìa ra danh thiếp ghi tên là nhà thơ, nhà văn, chủ biên nhiều tuyển tập thơ in chung có tên gọi rất sang trọng và hoành tráng như: Tuyển tập thơ tình hay nhất Việt Nam, Tuyển tập thi nhân thế kỷ 20, Tuyển tập lục bát Việt Nam... Tiếp theo, gạ các cụ nộp thơ để in chung vào tuyển tập. Mỗi chùm thơ 5 bài, tác giả phải đóng 1,5 triệu đồng và được hứa sẽ nhận lại 3 tập thơ sau khi in. Thấy giá chỉ 1,5 triệu đồng nhưng lại được in và giới thiệu trên các tuyển tập sang trọng và “hót” đến như thế nên các cụ đua nhau đăng ký nộp bài, nộp tiền... Có cụ còn chơi sang xin nộp đến 2 chùm và chấp nhận đóng số tiền gấp đôi.
Chừng 2 tháng sau, cầm trên tay tuyển tập thơ, các cụ vô cùng sung sướng vì người chủ biên đã viết lời giới thiệu ca ngợi các cụ lên tận mây xanh. Cái chapeau được viết theo một mẫu chung chung, đại khái là: “Nhà thơ A. tuy đến với thơ tình khá muộn nhưng thơ chị khá dồi dào xúc cảm, đẩy lên những cung bậc yêu đương bằng những ngôn từ hết sức thăng hoa và đầy sự lãng nạn...”, hay: “Thi sĩ B. là người sinh ra để làm thơ lục bát. Thơ ông đã đạt đến cao của ngôn từ mà không dễ thi sĩ nào cũng thể hiện được...”.
Đọc những lời giới thiệu về mình như thế, các cụ ngỡ mình đã thành nhà thơ lớn, muốn có thật nhiều sách để tặng bà con, họ hàng, bè bạn nên đua nhau mua thêm sách. Chỉ chờ đến lúc này, gã chủ biên hét 1 cuốn lên đến 250.000 đồng. Vậy mà cũng có rất nhiều cụ móc hầu bao bỏ ra 5 - 10 triệu đồng để nhận về 20 - 40 tập thơ. Cụ nào tiền ít thì photo ra hàng chục bản, phát tặng khắp nơi để mọi người biết mình đã thành nhà thơ có tác phẩm được in vào “sách lớn”. Người chủ biên tha hồ thu lợi từ những đồng lương hưu của các cụ.
Đấy là chỉ nói về những người đi gạ in thơ chung, còn cao thủ hơn nữa là những nhân vật thành lập CLB thơ cấp quốc gia. Gần 10 năm qua, có người tự xưng là nhà thơ, nhà báo lập ra một CLB sáng tác mà mới nghe qua, nhiều người nhầm tưởng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp do nhà nước quản lý.
Mục đích của CLB này là thành lập nhiều chi nhánh để kết nạp hội viên. Chỉ cần nộp vài câu thơ theo dạng văn vần, hò vè về CLB và đóng phí nhập hội, người yêu thơ sẽ được chủ tịch CLB cấp thẻ hội viên và trở thành “nhà thơ” ngay lập tức. Nhiều người còn ngỡ mình vừa được kết nạp vào hội văn học trung ương. Hàng năm, ngoài thu phí, vị này còn kêu gọi các hội viên tài trợ kinh phí để tổ chức hội nghị, họp hành, in thơ... nhằm trục lợi.
Chủ tịch CLB này tìm cách bày ra các trò ký tặng giấy khen, bằng khen, giải thưởng, in thơ, sách và đặt ra giải thưởng này, giải thưởng nọ để lừa bịp, thu tiền hội viên, vét túi các cụ già và những người ở vùng sâu, vùng xa yêu thơ chân thật. Trong các “tác phẩm đoạt giải thưởng”, CLB này xét theo tiêu chí ai đóng góp nhiều tiền thì được giải.
Với quy chế kết nạp hội viên bằng cách nộp tiền không cần quan tâm đến chất lượng bài vở, tác phẩm, điều kiện kết nạp hết sức dễ dàng, nên chỉ trong 1,2 năm CLB này đã có hàng chục chi nhánh ở các tỉnh thành và có hơn 5.000 “nhà thơ” mà đa phần là các “bô lão”, có nhiều cụ hơn 90 vẫn tuổi là hội viên.
Thơ nào cũng được in…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để moi tiền người yêu thơ, Chủ tịch CLB. thường đặt tên cho các tuyển tập có tên rất “vĩ mô” như: Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20, Thơ hay ba miền, 999 nhà thơ đương đại, Chân dung và phong cách… Ai muốn có thơ đăng trong các tuyển tập này đều phải nộp tiền bạc triệu. Chưa hết, sau khi tập thơ được in xong, những người có thơ trong tuyển tập phải mua lại của CLB với giá rất cao. Có người mua hàng trăm cuốn, mất cả chục triệu đồng, để tặng bạn bè, bà con, lối xóm. Chủ tịch CLB này thu lợi hàng trăm triệu đồng cho mỗi đầu sách.
Trong vai người mới tập tành làm thơ, muốn gia nhập CLB để được kết nạp hội viên và in thơ, chúng tôi điện thoại chủ tịch này. Anh ta “nhiệt tình” hướng dẫn: “Muốn gia nhập CLB, anh viết đơn xin gia nhập và gửi về địa chỉ: Hộp thư ..., Bưu điện Hai Bà Trưng, 811 đường Giải Phóng, Hà Nội, kèm theo 150.000 đồng, chúng tôi sẽ kết nạp hội viên và cấp thẻ hội viên, phù hiệu cho anh”. Tôi hỏi: “Bọn em có thơ muốn đăng thì sao? Giá bao nhiêu một bài vậy anh?”. Anh ta đáp: “Hiện nay sắp in tập Chân dung và phong cách, muốn được in chung thì phải gửi bài xem ngắn hay dài thì mới báo giá cụ thể. Anh gửi nhanh kẻo không kịp”. Sau vài phút trò chuyện, chúng tôi ngỏ ý muốn thành lập chi nhánh CLB, ở một tỉnh phía Nam theo quy chế CLB, kèm theo lời hứa sẽ lo các khoản phí, chi phí thành lập và chi phí đi lại cho ban chấp hành từ Hà Nội bay vào. Anh ta đồng ý ngay và hứa sẽ lo thủ tục, vào tận nơi trao quyết định và thành lập ban chấp hành lâm thời cho CLB do tôi đứng đầu mà không cần biết tôi là ai, nghề nghiệp, công việc cũng như tác phẩm và trình độ văn chương ở cấp độ nào. Anh ta còn khoe mình có nhiều hội viên và chi nhánh ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Long… và thường vào công tác nơi đây.
Người này còn cho biết, theo kế hoạch đến cuối năm 2018, sẽ phát triển nhiều CLB ở khu vực miền Đông Nam bộ với số lượng trên 1.000 “nhà thơ” là hội viên của CLB.
Mới hay: Đất nước ta dồi dào thi sĩ/Trong một vùng cả vạn nhà thơ