Sáng nay 23-1, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nước mặn và nồng độ mặn đang gia tăng lấn sâu vào nhiều khu vực của tỉnh Hậu Giang. Trong đó, nồng độ mặn ở một số nơi giáp ranh với Bạc Liêu và Kiên Giang lên đến 3‰, cao nhất từ đầu mùa khô đến nay. Tỉnh đã đóng cống ngăn mặn trên nhiều tuyến sông”.
Theo ông Trần Chí Hùng, cán bộ ngành nông nghiệp sẽ trực 24/24 trong những ngày tết cổ truyền để kịp thời nắm bắt tình hình, thông báo qua điện thoại cho lãnh đạo địa phương để kịp thời chỉ đạo ứng phó trước diễn biến phức tạp của nước mặn xâm nhập.
Trong khi đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Do ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ về tới biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc bắt đầu từ 22-1 và ảnh hưởng ra các vùng ven biển đến hết ngày 28-1 (đúng thời kỳ triều cường và đón tết cổ truyền). Chính vì vậy, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng.
Vùng thượng ĐBSCL (An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và Cần Thơ), nước thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.
Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang): Mặn lịch sử có thể xảy ra, cần chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt từ bây giờ.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo: Với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến hiện nay, khả năng xảy ra hạn mặn như năm hạn mặn 2016 là rất lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sản xuất các địa phương cần chủ động các giải pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ. Vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát và kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước; tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.