Trụ nước chữa cháy - vừa thiếu, vừa xuống cấp

Thiếu hơn 10.000 trụ nước chữa cháy

Hoạt động phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tại TPHCM đang có nhiều bất cập. Không chỉ thiếu hồ tích trữ nước và trụ nước chữa cháy, mà việc duy tu, nâng cấp các trụ nước bị xuống cấp, hư hỏng cũng diễn ra rất chậm, có nơi không làm. Thực tế trên đã và đang làm giảm tính hiệu quả trong công tác chữa cháy, ứng phó khi có cháy nổ xảy ra…

Trụ nước chữa cháy trên đường Phan Văn Hớn (quận 12) bị “há miệng” do kẻ gian lấy cắp nắp trụ

Thiếu hơn 10.000 trụ nước chữa cháy

TPHCM hiện có 8.740 trụ nước chữa cháy và là địa phương có số lượng trụ nước chữa cháy nhiều nhất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế và quy định của Luật PCCC (cách 500m có một trụ nước chữa cháy) thì thành phố vẫn còn thiếu hơn 10.000 trụ. Khu vực thiếu trụ nước chữa cháy là các khu dân cư, chợ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các huyện ngoại thành. Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, sở dĩ số trụ nước chữa cháy ở thành phố còn thiếu nhiều là do tốc độ đô thị hóa nhanh, các tòa nhà, cụm - khu công nghiệp hình thành nhiều làm công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới cấp nước, đầu tư - xây dựng trụ nước chữa cháy không theo kịp. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan (Cảnh sát PCCC, cấp nước, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn…) trong việc phát triển, đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước chữa cháy, trụ chữa cháy còn chưa đồng bộ, hời hợt, chưa thực sự quan tâm.

Không chỉ thiếu trụ nước mà công tác quản lý, kiểm tra, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết bị cấp nước, trụ nước chữa cháy đã lắp đặt ở một số quận, huyện cũng bỏ ngỏ. Trong các khu dân cư, trên nhiều tuyến đường, thậm chí trong các bến xe, bệnh viện…, hiện tồn tại rất nhiều trụ nước chữa cháy hư hỏng, bị kẻ gian lấy cắp mất nắp nhưng không được đơn vị quản lý sửa chữa. Điển hình như trên đường Phan Văn Hớn (quận 12), chỉ một đoạn ngắn qua phường Tân Thới Nhất đã có gần chục trụ nước “há miệng”. Nhiều trụ còn bị những người vô ý thức mang vật cản (bao bì, cát đá, cây gỗ…) nhét vào miệng trụ. “Các trụ này bị hư hỏng từ nhiều năm nay nhưng không thấy ai đến sửa chữa, cũng chẳng thấy cơ quan chức năng nhắc nhở các trường hợp tự ý tháo nắp trụ, phá trụ. Sẽ rất nguy hiểm nếu cháy nổ xảy ra nhưng trụ không cung cấp được nước để chữa cháy”, ông Hồng, ngụ gần địa chỉ 193 đường Phan Văn Hớn, lo lắng. Ngoài trụ nước chữa cháy, hồ tích trữ nước chữa cháy tại nhiều chung cư, chợ, bệnh viện ở TPHCM cũng đang bị thiếu nghiêm trọng, nhiều chung cư cũ không có hồ tích trữ nước. Đã có một số vụ cháy xảy ra ở các chung cư cũ nhưng lực lượng chữa cháy tại chỗ không thể dập tắt được lửa do không có nước tích trữ.

Cuối năm 2017 xử lý hết các trụ hư

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho rằng việc thiếu trụ nước chữa cháy gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi dập lửa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số vụ cháy lan cháy lớn xảy ra trong thời gian qua. Tồn tại này đang được Cảnh sát PCCC từng bước khắc phục, đầu tư. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, nước là vũ khí hiệu quả của Cảnh sát PCCC khi chiến đấu với “giặc lửa”, cảnh sát có nghiệp vụ tinh nhuệ, phương tiện hiện đại đến cỡ nào, nhưng không có nước thì cũng vô hiệu. “Hiểu vậy nên thời gian qua, Cảnh sát PCCC TPHCM đã chủ động phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, UBND các quận, huyện đẩy nhanh việc quy hoạch, triển khai thi công, lắp mới trụ nước chữa cháy.

Đối với các trụ nước còn thiếu, người đứng đầu Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết sẽ từng bước bổ sung, đến năm 2020, thành phố sẽ lắp đủ số trụ nước chữa cháy theo quy định. Trước mắt, để đảm bảo lượng nước chữa cháy, ứng phó kịp thời các đám cháy xảy ra trong thời gian trụ nước chữa cháy còn thiếu, Cảnh sát PCCC đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện rà soát, đầu tư, thiết lập các điểm lấy nước tự nhiên từ các sông rạch. Cụ thể, dọc các tuyến sông, rạch lớn ở khu vực trung tâm, vùng ven thành phố, cách 500m sẽ có một bến bãi để xe chữa cháy lấy nước. Ngoài ra, hiện Cảnh sát PCCC TPHCM cũng đã lập một đội chuyên kiểm tra quản lý nguồn nước, thiết bị cấp nước chữa cháy để phát hiện, xử lý các trường hợp lấy cắp, phá hoại trụ nước chữa cháy, đồng thời kịp thời sửa chữa các trụ hư hỏng; tuyên truyền, kêu gọi đơn vị khai thác các tòa nhà, ban quản trị các chung cư còn thiếu hồ tích trữ nước chữa cháy đầu tư bổ sung, xây dựng thêm.

 Tuy hiện nay Bộ Xây dựng chưa ban hành chính thức đơn giá lắp đặt, sửa chữa trụ nước chữa cháy, nhưng trước tính cấp thiết, không thể “giỡn mặt” với “bà hỏa”, Cảnh sát PCCC đã kiến nghị thành phố ứng kinh phí để lắp đặt, sửa chữa. “Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã lắp mới, đưa vào sử dụng 336 trụ, sửa chữa thay mới 666 trụ. Hiện còn 113 trụ hư hỏng đã được phát hiện đang quá trình thẩm định để có phương án sửa chữa, hoặc thay mới”, Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết.

 TUẤN VŨ  

Tin cùng chuyên mục