Giảm mức phạt nồng độ cồn tối thiểu
Theo đề xuất trong dự thảo nghị định mới của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn tối thiểu đã giảm sâu so với quy định tại Nghị định 100, được sửa đổi tại Nghị định 123 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, đề xuất mức phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng, thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, đề xuất phạt 400.000-600.000 đồng, thay vì mức phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành. Với xe máy chuyên dùng, đề xuất phạt 800.000-1.000.000 đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng như quy định hiện hành.
Trong dự thảo trên, Cục Cảnh sát giao thông cũng tham mưu đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe từ ngày 1-1-2025. Theo đó, mỗi năm người có giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm trong giấy phép. Có 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Nếu bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện theo loại giấy phép lái xe đó. Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người vi phạm được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu kết quả đạt yêu cầu, giấy phép lái xe sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Liên quan tới nội dung giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) phân tích, năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia được ban hành và Nghị định 100 (sau đó sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 123) hướng dẫn thi hành chi tiết đã cấm tuyệt đối nồng độ cồn, đồng thời kèm theo các mức xử phạt rất nghiêm khắc.
Thời điểm đó, nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, mức phạt nghiêm khắc với vi phạm về nồng độ cồn đưa ra trong bối cảnh đó là phù hợp. Song đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, vi phạm nồng độ cồn đã giảm, được kiểm soát nên việc nới lỏng mức xử phạt nồng độ cồn là phù hợp.
Hồi chuông cảnh báo cho tài xế
Liên quan tới nội dung dự thảo quy định về trừ điểm giấy phép lái xe, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, thông tin, trong 1 năm, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, số điểm bị trừ sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm của các hành vi. Dữ liệu trừ điểm sẽ được cập nhật ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người vi phạm biết.
“Trừ điểm không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Trong dự thảo, chúng tôi đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi sẽ bị trừ điểm trong giấy phép lái xe, trong đó có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm tuyệt đối 12 điểm - đây là những hành vi mang tính chất cố ý, nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên. Trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước có tính chất răn đe, giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Chúng tôi cho rằng, mỗi lần bị trừ điểm cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh, cảnh báo với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, buộc họ phải có ý thức chấp hành hơn”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Với đề xuất giảm mức phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn tối thiểu, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay, quá trình nghiên cứu để đưa ra dự thảo, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các bộ, ban, ngành để đưa ra mức phạt phù hợp.
“Có nhiều ý kiến cho rằng cần giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu (tương đương dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu). Sở dĩ nhiều ý kiến đưa ra như vậy vì theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 1 người đàn ông khỏe mạnh uống 1 ly rượu, sau 1 giờ, kết quả đo được vẫn có ngưỡng nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở. Vì lẽ đó, chúng tôi tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước và đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, chúng tôi sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thêm các hội thảo”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.