Hơn nữa, nhìn trên tổng thể phát triển quốc gia, TPHCM là trung tâm công nghiệp của cả nước, việc chuyển đổi kinh tế xanh của công nghiệp thành phố sẽ tác động đến quá trình chuyển đổi xanh của cả nước. Song, thách thức đặt ra là phải cân bằng như thế nào giữa mục tiêu tăng trưởng cao với chuyển đổi kinh tế xanh bởi để thực hiện cuộc chuyển đổi này, tất sẽ có sự đánh đổi.
Nếu chỉ bảo vệ mục tiêu tăng trưởng mà không quan tâm đến chuyển đổi xanh thì sự tăng ấy đến một thời điểm sẽ đi ngang và suy giảm, tụt sâu. Nếu trung hòa mà không ưu tiên chuyển đổi xanh, tăng trưởng sẽ tăng nhưng không cao. Nếu tập trung cả về mặt chiến lược lẫn kế hoạch cụ thể, khả thi với quyết tâm hành động, kể cả chấp nhận tuột tăng trưởng để đầu tư cho tương lại thì tăng trưởng sẽ tăng dần, tăng cao và tăng bền vững, GDRP sẽ có sự thay đổi.
Các ý kiến đồng thuận của diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại các diễn đàn, hội thảo cùng chủ đề do Bộ KH-ĐT (hội thảo Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công), Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (tọa đàm Xây dựng và phát triển kinh tế xanh tại TPHCM), tạp chí Forbes (Hội nghị Con đường màu xanh) tổ chức trong tháng 4 cùng truyền tải thông điệp: Phải có sự tính toán cho hợp lý trong điều kiện cần và đủ của các thành phố, nhất là những “siêu đô thị” như TPHCM, Hà Nội đạt đến mục tiêu trung hòa carbon trong những năm sắp tới.
Cụ thể hơn mục tiêu đó là những câu hỏi: Làm sao chuyển đổi theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng điều chế? Trong công nghiệp, các cơ chế nào thúc đẩy đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng năng lượng xanh? Trong nông nghiệp, làm sao thúc đẩy theo hướng tăng sản phẩm xanh trong quy trình sản xuất (nuôi trồng), chế biến nông sản và tiêu thụ? Làm sao chuyển đổi các phương tiện giao thông công cộng, giảm phát thải từ các phương tiện cá nhân? Làm sao đồng bộ và chuyên nghiệp hóa trong việc xử lý rác thải, chất thải?
Để thực hiện, công cụ chính là từ dự thảo cơ chế đặc thù của TPHCM - sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới có 7 nhóm chính sách quan trọng: từ thúc đẩy điện mặt trời áp mái, đến các chính sách chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện; từ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch, nhắm vào thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo đến chính sách để thúc đẩy các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn TPHCM...
Các trụ cột trên sẽ dẫn đến một đầu việc rất quan trọng, là TPHCM thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Và để thúc đẩy dịch chuyển của các trụ cột nói trên, trong lộ trình thực thi, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng với tư cách vừa là đồng chủ thể thực hiện, vừa là đồng khách thể tiêu dùng - thụ hưởng của một nền kinh tế xanh bền vững.
“Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 4 tổ chức vào quý 3 năm nay với thông điệp quan trọng của một lộ trình: kinh tế xanh - chuyển đổi xanh là “nền tảng” và là “động lực” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn sắp tới.