Trụ cột trong chiến lược dự trữ

Để đối phó với các lệnh trừng phạt siết chặt, Nga liên tục tăng cường dự trữ vàng. Tính đến tháng 10-2024, dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33%, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD, đánh dấu mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Con số này cho thấy vàng trở thành “vũ khí tài chính” chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.

Theo đánh giá của Hội đồng Vàng thế giới, trong quý 2 năm nay, với mức dự trữ vàng hiện tại, Nga đang giữ vị trí thứ năm thế giới về dự trữ vàng, sau Mỹ, Đức, Italy và Pháp. Nhận định về tỷ lệ dự trữ vàng của Nga, chuyên gia tài chính Andrey Barkhota cho rằng, trong bối cảnh áp lực trừng phạt ngày càng gia tăng, vàng đã trở thành tài sản dự trữ được Nga ưa chuộng. Kim loại quý này có 2 ưu điểm: giá không thay đổi nhanh như giá trị của một loại tiền tệ và có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt cao hơn các loại tài sản khác. Đặc biệt, với vị thế là một trong những nước sản xuất vàng lớn, Nga có lợi thế về tự cung tự cấp nguồn vàng.

!8a.jpg
Nga tăng cường mua vàng dự trữ. Ảnh: TASS

Theo nhà phân tích Vladimir Chernov của tổ chức Freedom Finance Global có trụ sở tại Kazakhstan, Chính phủ Nga đã thay đổi cách tiếp cận trong việc hình thành dự trữ vàng và ngoại hối từ năm 2022, khi tài sản tiền tệ của Nga bằng USD và EUR bị đóng băng. Đối với Nga, vàng đã trở thành ưu tiên hàng đầu, là tài sản vật chất có thể lưu trữ trong nước, không giống như dự trữ ngoại tệ có thể bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt. Vàng còn hỗ trợ việc thanh khoản khi các phương tiện tài chính khác bị chặn hoặc khó tiếp cận. Từ cuối tháng 2-2022, Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục mua vàng trên thị trường nội địa. Giới chuyên gia tài chính dự đoán, việc chuyển đổi phần dự trữ của Nga từ ngoại tệ sang vàng rất có thể liên quan đến hoạt động của Bộ Tài chính Nga trên thị trường ngoại hối.

Việc Nga đạt kỷ lục về dự trữ vàng không chỉ thể hiện chiến lược tài chính của nước này trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, mà còn cho thấy xu hướng ngày càng tăng của các quốc gia trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng vàng. Các ngân hàng trung ương tại nhiều nước trên thế giới cũng đang tăng cường mua vàng bất chấp giá vàng ngày càng tăng. Ngoài vai trò như một tài sản dự trữ, các ngân hàng trung ương có thể sử dụng vàng để làm tài sản thế chấp trong các giao dịch quốc tế hoặc để đối phó với các tình huống khẩn cấp tài chính.

Bên cạnh đó, vàng có vai trò như một “hàng rào” chống lại lạm phát và sự trượt giá. Khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, giá trị thực của tiền mặt và các tài sản khác có thể bị xói mòn, nhưng vàng giúp bảo vệ dự trữ của các ngân hàng trung ương khỏi sự mất giá của tiền tệ và giữ cho giá trị tài sản được ổn định. Theo dự báo của Giám đốc danh mục đầu tư Alfa Capital Dmitry Skryabin, kim loại quý này có thể thiết lập mức kỷ lục mới vào năm 2025, với giá dự kiến lên tới 3.000 USD/ounce. Nhu cầu vàng không chỉ đến từ các ngân hàng trung ương mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát gia tăng và các xung đột địa chính trị tiếp tục diễn ra, như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hay căng thẳng tại Trung Đông.

Tin cùng chuyên mục