Đây là loại trái cây thích nghi với vùng đất biển ít nước ngọt như Cần Giờ và đã được nhiều hộ dân trồng hiệu quả, gắn bó lâu năm, như hộ ông Phạm Văn Ky (xã Long Hòa).
Gặp ông Ky trong lớp tập huấn kỹ thuật trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, do cơ quan khuyến nông phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổ chức. Khi được hỏi về quá trình theo nghề của mình, ông Ky kể đã gắn bó với cây xoài gần 30 năm, trồng đủ giống như xoài Thái, tứ quý và hiện đã chuyển sang trồng xoài cát với diện tích hơn 8.000m². Đây là giống xoài chủ lực của địa phương, “bởi xoài Cần Giờ không những được tiêu thụ tại TPHCM mà còn được người tiêu dùng các tỉnh, thành khác ưa chuộng vì có vị thơm ngon, độ ngọt thanh vừa phải không quá gắt, quá chua”, ông Ky vui vẻ mô tả về sản phẩm.
Những ưu điểm của xoài cát Cần Giờ không chỉ khiến thương lái và người tiêu dùng ưa thích, mà chính người dân địa phương như ông Ky cũng “say mê” và quyết định gắn bó với việc trồng xoài. Vì thế, tuy sắp đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Ky luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật từ sách, báo và từ những nhà vườn lâu năm để trau dồi, học hỏi kinh nghiệm (dù thâm niên trồng xoài của ông có gần 30 năm).
Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về chuyên đề kỹ thuật trồng xoài VietGAP do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện tổ chức.
Chia sẻ về điều này, ông Ky nói: “Tham gia các lớp học, tập huấn giúp tôi tiếp cận với những kiến thức mới về quy trình trồng xoài và vận dụng đúng trong việc chăm sóc, bảo quản, nhằm tăng giá trị và chất lượng xoài, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao như hiện nay”.
Chính sự ham học hỏi, tìm hiểu và chịu khó thay đổi kỹ thuật phù hợp với thực tế ấy đã giúp vườn xoài của ông Ky đạt kết quả tốt. Ông cho biết, xoài chỉ ra trái một mùa/năm, nhưng trước nhu cầu của thị trường, ông đã áp dụng kỹ thuật mới cho xoài luân phiên ra trái, nên với 8ha diện tích vườn xoài, trung bình cho 7 - 8 tấn xoài/ha/năm, giá trung bình 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu được gần 200 triệu đồng/năm.
Trước yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp sạch cho TPHCM, huyện Cần Giờ đang thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu xoài cát đạt chuẩn VietGAP. Ông Ky tích cực hưởng ứng bằng cách chuyển đổi quy trình chăm sóc xoài theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật khuyến nông; tăng cường cải tạo vườn xoài theo hướng VietGAP và đang trên đà phát triển.
Theo ông Ky, quy trình mới này sẽ nâng cao chất lượng trái xoài, bởi người trồng phải tuân thủ kỹ theo từng yêu cầu về bọc trái, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, phải cách ly trước khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng an toàn cho trái xoài, đáp ứng tốt nhu cầu sản phẩm sạch cho người tiêu dùng tại TPHCM và các tỉnh, thành khác, cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu. Qua đó, để mọi người biết đến TPHCM còn có một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là xoài cát Cần Giờ.