Những tay máy chuyên và không chuyên khác cũng góp chuyện bằng vài hình ảnh của mùa hoa năm trước, có người nhà ở Tây Nam bộ thì gửi ảnh nhà vườn đang chuẩn bị cây con, đất trồng… cho tết năm này. Vậy là cả nhóm xôn xao, cái không khí tết cứ nao nao từ ngoài đường đến mạng xã hội.
Đó là chuyện của dân săn ảnh, thảnh thơi đi tìm hoa, tìm kiểng, còn nhà vườn mùa này bắt đầu tất bật cho vụ hoa tết. Nghề làm nông quanh năm lắt nhắt công chuyện, ngoài vườn mai nở sớm hay muộn một chút thì coi như lỗ vốn, đám vạn thọ ngó bộ lá nhiều hơn búp là đứng ngồi không yên, chạy ngược chạy xuôi tìm cách… Bởi người ta mua hoa để chưng tết, chậu vạn thọ sơ sài có vài bông thì còn bán được cho ai.
Mùa xuân của đất trời dễ thấy nhất là những bông hoa, dẫu không hương thì tết đến xuân về cũng rực sắc. Chợ tết bao đời nay, người ta mua sắm gì, rồi cũng phải tìm mua vài cây bông, chậu kiểng để trong nhà cho có chút xanh xanh đỏ đỏ. Đất Cửu Long phù sa bồi đắp, cùng cái tánh chịu thương chịu khó của người nông dân, nhà vườn cứ thế mà xanh mướt, cây trái trĩu quả…
Rồi xuôi theo con nước hay đường bộ, hoa trái miệt vườn tỏa đi khắp cả nước, những cái tên làm nên thương hiệu cho hoa kiểng miền Tây Nam bộ, mà hễ tết đến xuân về người ta lại nhắc như: làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Mỹ Tho (Tiền Giang)…
Hoa tết năm nào cũng có gian hàng giới thiệu những hoa kiểng lạ, ghép từ nhiều giống quý hay nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng bán chạy nhất, được khách hỏi tìm nhiều nhất, cũng chỉ là những cái tên mộc mạc xưa giờ như: vạn thọ, mai vàng, cúc mâm xôi, phát tài… Những loại hoa dễ trồng, dễ chăm và cũng không quá cầu kỳ hương sắc; cây này bông vàng, cây kia bông đỏ, chậu kiểng nọ lá non xanh mướt… Hoa miệt vườn nên cũng thiệt thà như người nhà nông, và có lẽ chính cái chất nhà quê mộc mạc đó mà khách cứ tìm về mỗi độ xuân sang, bởi cái duyên từ nét dung dị của người bán lẫn chậu bông.
Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, một số tỉnh miền Tây Nam bộ có nơi ghi nhận ca mắc ở mức bốn con số trong một ngày, ít nhiều vụ hoa tết năm nay sẽ chững lại, sẽ có những ghe bông không kịp theo con nước mà về họp chợ “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông (quận 8, TPHCM). Bạn đại học của tôi nhà ở Chợ Lách (Bến Tre) thở dài: “Thôi năm nay nghỉ bông đỡ một năm, chứ dịch quá, có lên ghe cũng không biết lời lỗ đằng nào mà tính. Vườn kiểng nhà ông Bảy năm nay coi như trồng ở nhà coi chơi, chứ giờ này ổng còn cách ly, có đi được đâu mà chuẩn bị vụ bông tết, mối lái năm nay cũng không nhiều”.
Với nhiều người, vui nhất là không khí của những tháng gần tết, người thảnh thơi lo chuyện mua sắm, nhà nào trúng mùa thì sửa lại chái bếp, sơn lại cái nhà trên để ba ngày tết khách tới chơi cửa nhà thiệt đẹp, thiệt oách… Còn bận rộn nhất là nhà vườn chuẩn bị hoa kiểng để bán vào buổi chợ cuối năm, bán lẻ, bán sỉ cho lái đều có đủ, rồi nhẩm tính lời lãi mà đi chợ tết. Năm nào ngon lành thì nồi thịt kho hột vịt, khổ qua hầm hoành tráng, gà, vịt đủ món… Còn năm nào eo hẹp hơn thì sắm sửa nhỏ lại, nhưng tính ngược tính xuôi thì với nhà vườn, cái chính vẫn là lấy công làm lời, bởi nghề làm nông có bao giờ nhàn, không một nắng hai sương trên cánh đồng thì cũng chăm ngày chăm đêm, uốn từng cành cây, cái búp…
Một năm ảnh hưởng bởi dịch, cái không khí rạo rực tết đến ít nhiều đã lắng lại, vụ hoa tết cũng chịu cảnh bớt xôn xao. Những cơn gió bấc cuối năm chợt mang theo cái lạnh lẫn chút buồn của nhà vườn. Hoa vẫn nở theo mùa, con nước trong ngày vẫn cứ lên xuống, nhưng ghe thương hồ chở bông xuôi ngược năm này chắc ít, người ta đành hẹn lại những vụ hoa tết khác.