Rời vị trí nhân viên hậu kỳ phim, Hải An (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đăng ký khóa học chụp ảnh và chỉnh sửa hình ảnh. Hải An kể: “Những công việc này khá liên quan nhau, nên tôi học cũng nhanh, chỉ có việc chụp ảnh thì khá khó vì mình là tay ngang... Bắt đầu làm hình, dựng clip ngắn chia sẻ lên trang cá nhân, nhiều bạn bè ngỏ ý muốn chụp bộ ảnh lưu niệm, làm video kỷ yếu với công ty, tôi sẵn sàng hỗ trợ. Người này giới thiệu người kia, thành ra mình có thêm công việc phụ hồi nào không hay...”.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, trong 5 tháng đầu năm, có gần 510.000 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong quý 2-2023, cả nước có hơn 1 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo. Theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.
Trong vòng xoáy mất việc, “cày ngày cày đêm”, hay bắt đầu công việc trái ngành như một “phép thử” để bạn trẻ tự rèn giũa mình. Đi làm chưa đầy 2 năm, Vũ Hoài Tâm (24 tuổi, nhân viên lập trình, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) nằm trong danh sách nhân viên bị cắt giảm nhân sự đợt 3. Chi phí sinh hoạt ở thành phố buộc Hoài Tâm phải tìm gấp công việc khác để có thu nhập. Trở lại công việc gia sư vào buổi tối và bắt đầu tự tìm các hợp đồng làm việc ngắn liên quan đến lập trình, Tâm chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm việc tự do, nhưng bây giờ thì phải thử, tự viết giới thiệu về chuyên môn, kinh nghiệm và tìm hợp đồng làm việc cũng giúp mình bản lĩnh hơn rất nhiều. Mặc dù hợp đồng kiếm được chỉ ở mức thu nhập vừa hoặc thấp đôi chút, nhưng tôi tạm hài lòng vì đòi hỏi dự án lớn ở thời điểm này rất khó”.
Khi gen Z trở thành lực lượng lao động chủ yếu, khả năng thích ứng với môi trường quanh mình và kỹ năng chuyên môn đa dạng là yêu cầu và thách thức để bạn trẻ vượt lên chính mình trong hành trình trưởng thành, lập nghiệp.