Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, nhiệm kỳ XII là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện đầu tư công theo trung hạn nên vấn đề giao vốn, giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công cần đặt ra. Vì vậy, mặc dù là một đạo luật rất tiến bộ, chặt chẽ, góp phần siết chặt được đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả…, song trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số vướng mắc, điển hình là việc giao vốn cho địa phương chậm.
Trong khi đó, năm 2018 Chính phủ đặt ra mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. “Đây là một thách thức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đánh giá những nguyên nhân của việc giải ngân chậm trễ, chỉ ra những dự án, những công trình cụ thể chậm giải ngân để đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công và tìm ra giải pháp khắc phục.
Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng cho biết trong tuần tới ông sẽ đích thân dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra về đầu tư công ở một số địa phương sử dụng nhiều vốn đầu tư công như TPHCM, Hà Nội…
Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trực tiếp dẫn đầu một số đoàn đi kiểm tra về đầu tư công.
Đồng chí Vương Đình Huệ thẳng thắn yêu cầu người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách “tham mưu trưởng” của Chính phủ trong lĩnh vực này nêu rõ quan điểm về đề xuất ra thêm một Nghị quyết nữa về đầu tư công của Văn phòng Chính phủ và nhấn mạnh: “Hai năm qua, Chính phủ đã phải ra hai Nghị quyết về vấn đề này”.
Theo Phó Thủ tướng, có trường hợp, chẳng hạn như Nghị định 210/2013 (về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) đã có đầy đủ cả nghị định lẫn thông tư hướng dẫn rồi mà vẫn chưa triển khai được.
“Trách nhiệm của ai, của Bộ nào? Vẫn còn kiểu vẽ dự án, dưới lên trên xin, trên cấp tiền là xong. Doanh nghiệp giờ cần thể chế chứ không cần tiền đâu. Người ta làm dự án thì đâu cần Chính phủ ưu đãi vài ba tỷ làm gì”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.