
Ở Mỹ, nếu có con chưa đủ tuổi đến trường thì cha hoặc mẹ phải ở nhà giữ con, hoặc gửi baby-sitter (người trông trẻ) hay thuê người đến nhà trông vì để trẻ con ở nhà một mình không có người lớn chăm nếu bị cảnh sát phát hiện chắc chắn cha, mẹ phải hầu tòa và con cái sẽ được giao cho người khác nuôi dưỡng. Vì thế, nghề baby-sit rất phổ biến và hấp dẫn ở Mỹ.
Baby-sitter cũng phải học

Một baby-sitter đang chăm trẻ.
Ở Mỹ, hoạt động bất cứ nghề nào cũng phải có giấy phép hành nghề. Muốn trở thành baby-sitter (người giữ trẻ) phải học qua hai lớp huấn luyện: lớp dạy về luật giữ trẻ trong thời gian một ngày với 6 giờ học miễn phí; lớp luật cứu thương cho trẻ trong thời gian 4 giờ với học phí là 15USD… Baby-sitter sẽ được dạy cách chăm sóc trẻ, vệ sinh ăn uống, dỗ trẻ ngủ… và nhất là cách bảo vệ an toàn cho trẻ. Sau khóa học, học viên sẽ được cấp giấy phép hành nghề (license). Mỗi baby-sitter được phép nhận giữ 12 trẻ, gồm 6 trẻ chưa đủ tuổi đến trường và 6 trẻ đã đủ tuổi đến trường nhưng tối đa là 13 tuổi. Ngoài tiền lương được nhận từ phụ huynh, baby-sitter còn nhận khoản trợ cấp thức ăn nuôi trẻ của chính phủ mỗi tháng gần 100USD/trẻ nếu thu nhập (income) của cả gia đình người nhận giữ trẻ thấp hơn mức qui định và nhà thuộc diện nghèo với điều kiện nhận chăm sóc trẻ cả ngày có ăn trưa (lunch), đây là chương trình của Bộ Canh nông Hoa Kỳ nhằm đảm bảo cho trẻ em đủ dinh dưỡng.
Những người nhận giữ trẻ yêu cầu phải có nhà cửa rộng rãi, an toàn, vệ sinh; có phòng vui chơi, phòng ngủ cho các bé; đặc biệt nhà có lầu và nhà chung cư tầng cao không được nhận giữ trẻ. Khi bắt đầu hành nghề giữ trẻ, baby-sitter phải báo cho chuyên viên quản lý lĩnh vực này biết để họ đến nhà kiểm tra tất cả các điều kiện quy định về hoạt động giữ trẻ. Sau đó, thỉnh thoảng các chuyên viên sẽ đến kiểm tra đột xuất về chất lượng thực phẩm và vệ sinh thức ăn cho trẻ. Chị Thanh Thủy ở Garland đã ly dị chồng, có một con nhỏ, nhận giữ thêm bốn đứa trẻ khác, cho biết: “Ngoài tiền lương của phụ huynh trả, tôi còn nhận được tiền trợ cấp thức ăn của chính phủ cho cả năm đứa trẻ”. Bình thường, với mức lương giữ trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi khoảng 25USD/ngày/tối đa 12 tiếng, trẻ lớn hơn thì 15USD/ngày, baby-sitter lo thức ăn và sữa cho trẻ; nếu trẻ còn bú sữa trợ cấp của chính phủ hoặc sữa đặc biệt thì phụ huynh phải mang đến.
Mặc dù thời gian tham gia các khóa học để có kiến thức chuyên môn về giữ trẻ rất ngắn và học phí cực kỳ rẻ nhưng nhiều người không thể trở thành baby-sitter vì không đáp ứng được điều kiện về nơi giữ trẻ. Do đó, có trường hợp nhiều người không đủ điều kiện về nhà ở, đã nhận giữ trẻ với giá rẻ hơn và chỉ nhận con của những người quen biết để không bị tố cáo với chính quyền. Ngược lại, phụ huynh gửi con cũng tin tưởng họ mà chi phí lại thấp nên cũng chấp nhận. Chị Kim Trần ở thành phố Richardson, tiểu bang Texas cho biết: “Ông xã tôi làm công nhân, lương cũng khiêm tốn mà vợ chồng tôi có hai con nhỏ nên tôi phải ở nhà trông chúng. Bà con đồng hương hiểu hoàn cảnh gia đình tôi nên giới thiệu bạn bè mang con đến gửi. Tôi chỉ nhận giữ thêm hai cháu với giá 300USD/cháu/tháng với 5 ngày/tuần. Nhờ thế mà tôi phụ được ông xã tiền chợ mỗi ngày”.
Vui buồn nghề baby-sit
Làm nghề này có thu nhập khá tốt nhưng không phải baby-sister nào cũng được phụ huynh quý trọng. Thường phụ huynh phải thanh toán tiền lương giữ trẻ vào dịp cuối tuần nhưng có người cuối tuần đến nhận con về rồi một đi không quay trở lại. Sau đó, baby-sister phải tới lui đòi nợ nhưng phụ huynh “hứa lần, hứa cuội”. Kiểu quỵt nợ này khá phổ biến, đôi khi dẫn đến chuyện trả thù cá nhân.
Chị Kim Yến ở Dallas, Texas, kể lại với nét mặt buồn bã: “Lúc vợ chồng chị mới từ Việt Nam sang, có bác ở phòng cạnh bên hiểu hoàn cảnh dân mới nhập cư nên chạy tìm người có con nhỏ mang đến cho chị giữ kiếm chút thu nhập. Qua lời giới thiệu của bác, cặp vợ chồng ở cùng chung cư mang đến gửi một cháu 8 tháng tuổi. Hai tuần đầu thanh toán lương sòng phẳng, 150USD/tuần, sang tuần thứ ba hứa để tuần thứ tư thanh toán luôn nhưng đã sang tuần thứ năm mà chẳng thấy họ đưa đồng nào. Chị đến nhà họ hỏi tiền công giữ trẻ, tới lần thứ ba thì sáng hôm sau kính xe hơi của chồng chị đậu trong bãi xe chung cư bể nát, có người nhìn thấy thủ phạm nhưng ngại làm chứng nên khuyên chị đừng tiếp tục đòi nợ nữa”.
Trường hợp chị Ngọc Mỹ ở Irving, Texas, thì lạc quan hơn: “Tôi nhận giữ trẻ mà không có giấy phép nên dè dặt lắm, chỉ nhận hai cháu thôi nhưng bà con đồng hương cứ mang con đến nài nỉ, họ bảo tôi “mát tay” nên chăm sóc trẻ lớn nhanh và khỏe. Ngoài tiền lương thỏa thuận, họ còn mang quà cáp như thịt, cá, rau quả… đến biếu, bồi dưỡng cho bảo mẫu nhưng cũng là góp phần ăn thêm cho trẻ”.
TRẦN HUY HÙNG CƯỜNG