UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản) về việc phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn, đồng thời, hai công ty này giới thiệu sản phẩm tỏi voi của Nhật đối với tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, tỏi voi là giống tỏi có năng suất, chất lượng, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha, ở Nhật giá tỏi tương đương khoảng 180.000 VNĐ/kg và được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Công ty này mong rằng sẽ được mang giống tỏi voi sang trồng trên đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn, vốn là thương hiệu tỏi lâu đời của cư dân vùng đất đảo Lý Sơn.
Trao đổi với Báo SGGP Online, T.S Võ Thị Việt Dung, Giảng viên thuộc Khoa Hóa –Sinh-Môi trường, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), người đã có những nghiên cứu về tỏi Lý Sơn cho rằng, việc đưa các giống ngoại, giống lai về trồng đã có từ nhiều năm trước. Có nhiều giống khi đến vùng đất mới có thể thích hợp thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu mà phát triển tốt, tuy nhiên, cũng nhiều giống cây trồng khi đến một điều kiện khác thì giảm năng suất, chất lượng, không được như kỳ vọng ban đầu.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gần 300ha đất nông nghiệp trồng hành, tỏi, mỗi năm cung ứng thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô và hơn 3.000 tấn củ hành.
Vì vậy, trước khi thực hiện trồng tỏi voi Nhật Bản, chính quyền, các nhà nghiên cứu cần phải có những khảo sát, đánh giá, thử nghiệm trồng trên 1-2 hộ dân, từ đó có những nghiên cứu hàm lượng dinh dưỡng, năng suất… rồi đưa về Trung tâm Khuyến nông, chứ không nên trồng ngay.
Đồng thời, khí hậu, thổ nhưỡng đảo Lý Sơn có nét riêng biệt: “Đất cát ở Lý Sơn là sự hình thành, kiến tạo qua hàng ngàn năm từ dung nham các miệng núi lửa phun trào từ lòng biển lên. Hằng năm, người dân đảo đem đất, cát này về trồng, nên trong đó sẽ có lẫn vỏ sò, ốc, san hô vỡ, cùng với kỹ thuật trồng lâu đời, người dân Lý Sơn tạo ra hương vị tỏi đặc trưng”- T.S Võ Thị Việt Dung khẳng định.