Đừng ngộ nhận
“Kiếm tiền ở lĩnh vực nào cũng không dễ dàng, YouTube cũng vậy. Sân chơi nào cũng có luật chơi và sự cạnh tranh. Ngày càng đông người làm thì sự cạnh tranh càng gay gắt. Làm YouTuber như làm kinh doanh tự do, cũng có người thành công, có người phá sản, có người cầm chừng...”, chị Dương Bảo Thủy, chủ kênh “Dương Bảo Thủy”, chia sẻ. Theo chị, các nhà quảng cáo trả tiền cho YouTube và họ phân phối trên các video, tuy nhiên, không phải video nào cũng có quảng cáo. Các video có nội dung về đám tang, hỏa hoạn hay các nội dung phản cảm bị YouTube hạn chế quảng cáo. Nhiều thời điểm, đặc biệt giai đoạn dịch bệnh vừa qua, lượng quảng cáo sụt giảm đáng kể. “Mức giá do YouTube quyết định và tự tính, trả cho các video, mình không quyết định được gì. Chưa kể, mức giá ở thị trường Việt Nam và nước ngoài cũng khác nhau, do giá quảng cáo không giống nhau”, chị Thủy cho biết thêm.
Còn theo chị Trương Tú Ngân, Giám đốc Truyền thông và vận hành POPS, đối tác được chứng nhận của YouTube tại Việt Nam: “YouTube là sân chơi tạo cơ hội cho mọi người xây dựng nội dung theo thế mạnh của mình. Có thể kiếm tiền từ YouTube là điều không phủ nhận, nhưng cũng không phải quá dễ dàng như cách mọi người vẫn truyền tai nhau”.
Hiện nay, theo quy định của YouTube, để có thể kiếm tiền, các kênh phải trở thành đối tác YouTube (YPP) và buộc phải tuân thủ tất cả chính sách liên quan đến việc kiếm tiền. 4 điều kiện để trở thành YPP gồm: Sống ở một quốc gia hay khu vực mà chương trình đối tác YouTube được cung cấp; có hơn 4.000 giờ xem công khai hợp lệ trong 12 tháng; có hơn 1.000 người đăng ký và đã liên kết tài khoản AdSense. Đạt các điều kiện này phải chờ thời gian xét duyệt. “Khi bạn đạt đến ngưỡng này, điều đó có nghĩa bạn có nhiều nội dung. Ngưỡng này giúp chúng tôi đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc kênh của bạn có đáp ứng các chính sách và nguyên tắc của chúng tôi hay không”, quy định YouTube nêu rõ.
Thực tế cho thấy, có không ít quan điểm chưa hoàn toàn chính xác về việc kiếm tiền từ YouTube. Một số cho rằng, lượt xem càng tăng, YouTube trả tiền càng nhiều. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Nhiều người còn quy đổi 1.000 lượt xem ra số tiền tương ứng và nhân lên với số lần được xem thực tế của video. Tuy nhiên, số lượt người xem và nhấp chuột vào quảng cáo trên các video mới quyết định số tiền. Cụ thể, khi đang xem video, quảng cáo xuất hiện, người dùng theo dõi những quảng cáo này cùng video, khi đó mới được YouTube trả tiền. Điều này còn phụ thuộc vào thị trường video được cung cấp. Các video có lượt xem cao sẽ thu hút quảng cáo, qua đó YouTube sẽ trả nhiều tiền hơn.
Các YouTuber tại Việt Nam hiện nay có nhiều hơn một nguồn thu, tức ngoài nguồn thu trực tiếp từ các video. Họ có thể bán hàng, tham gia hệ thống Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết), quảng cáo cho các thương hiệu, sản phẩm… Thơ Nguyễn từng xuất hiện trong hàng loạt hình ảnh, clip quảng cáo của một nhãn hàng sữa. 1977 Vlog cũng “cài cắm” quảng cáo cho một nhà mạng nổi tiếng trong các sản phẩm của mình. Trong khi đó, Đồng Văn Hùng (kênh “Ẩm thực mẹ làm”) thừa nhận, nhờ việc nổi tiếng hơn trên YouTube giúp anh “đắt show” hơn trong công việc chụp ảnh - thu nhập chính hiện nay của anh. Chị Trương Tú Ngân tiết lộ thêm, POPS cũng làm nhiệm vụ trung gian kết nối rất nhiều YouTuber, các nghệ sĩ với các nhãn hàng, thương hiệu muốn đưa sản phẩm của mình đến với công chúng bằng cách tài trợ chi phí sản xuất, đưa sản phẩm, đặt logo… vào trong các video, thay vì hình thức quảng cáo truyền thống. Thông qua đó, các nhà sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ có nguồn nhiều hơn để đầu tư các nội dung có chất lượng phục vụ khán giả.
Để kiếm tiền từ YouTube, chất lượng của các video mang tính sống còn. Nói như Hoàng Minh Tuấn (kênh “Chan La Cà”): “Tôi hay ví vui YouTube như là một chiếc bánh, sẽ có nhiều phần. Thế nhưng, những miếng bánh ngon nhất, ngọt nhất chỉ dành cho những ai nghiêm túc, chân thành với nghề, sáng tạo những nội dung mang tính bền vững và mang lại giá trị cho cộng đồng”.
Theo thống kê của Minh Tuấn, mỗi phút sẽ có số lượng video tương ứng với 500 giờ xem được đăng tải trên YouTube từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, cuộc cạnh tranh này những tưởng “béo bở” nhưng thực chất vô cùng khốc liệt. Để có những video đăng tải trên YouTube hoàn toàn miễn phí cho người xem, thời gian sản xuất có thể tính bằng phút, bằng ngày, tháng, thậm chí là bằng năm. Đội ngũ đứng sau các video có khi chỉ là một người, nhưng nhiều khi là ê kíp lên đến hàng chục, hàng trăm người.
Anh Đồng Văn Hùng chia sẻ: “Một video tôi sản xuất nhanh là 1 tuần, lâu là 6 tháng, bắt đầu từ lúc trồng cây cho đến khi thu hoạch, nấu ăn”. Toàn bộ quá trình sản xuất các video, từ quay đến dựng đều do Hùng đảm nhận. Hùng cho biết, do trước đây chỉ biết chụp hình nên ban đầu để có khung hình đẹp phải quay đi quay lại rất nhiều, quá trình dựng phim cũng mất rất nhiều thời gian làm quen với các phần mềm. Chưa kể, do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mưa nắng thất thường nên “có những bữa cơm quay đi quay lại, có khi tới 1-2 giờ sáng mới xong”.
Trong khi đó, theo Minh Tuấn, một video du lịch của anh trung bình mất khoảng 15 ngày để hoàn thành. “Riêng thời gian đi quay đã mất 7-10 ngày, về nhà còn phải biên tập, xử lý hậu kỳ”, anh chia sẻ. Là dân tay ngang, hơn 2 năm qua, Tuấn chọn YouTube làm kênh phục vụ việc học thông qua các nhà sáng tạo nước ngoài, quan sát và chắt lọc những cái hay của họ, từ storytelling (cách kể chuyện), các cú máy, góc quay, cách đổ màu…
Đối với những kênh YouTube ở lĩnh vực giải trí, theo chị Dương Bảo Thủy, có 2 áp lực lớn. Đầu tiên, vừa phải đảm bảo tuân thủ các quy định khắt khe về mặt bản quyền, vừa cố gắng bắt được các khoảnh khắc lạ, khai thác những chuyện ít người biết đến. Quan trọng không kém, trong bối cảnh các video đưa tin tức giống nhau, còn phải cạnh tranh về thời gian đưa tin mà vẫn đảm bảo chất lượng video, nâng chất lượng kênh.
Theo chị Trương Tú Ngân, sau gần 10 năm phát triển và nở rộ tại Việt Nam, thị trường YouTube đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với đầy rẫy biến động. Hiện tại, sự xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều của các ứng dụng VOD (Video on demand - xem video theo yêu cầu) cũng ít nhiều điều chỉnh thói quen của cả người sáng tạo và người xem. “Lập kênh YouTube không khó nhưng để duy trì, giữ chân người xem khó hơn rất nhiều. Chưa kể, khán giả đang ngày càng có nhiều cơ hội thể hiện quyền lực của mình. Trong bối cảnh hiện nay, khán giả không chỉ lựa chọn nội dung để xem mà họ còn có thể lựa chọn giữa nhiều nền tảng giải trí khác nhau. Và đặc biệt, tiếng nói của khán giả cũng được lắng nghe nhiều hơn để các nhà sáng tạo có thể hướng đến việc tạo ra các nội dung phù hợp và hiệu quả hơn. Xây dựng YouTube luôn cần xác định là con đường dài hơi, không thể là chuyện một sớm một chiều”, chị Tú Ngân cho biết.
Đối với kênh YouTube của các nhóm sáng tạo, các nghệ sĩ Việt, mức độ đầu tư và đội ngũ thực hiện không khác gì các đoàn phim truyền hình hay điện ảnh với con số bỏ ra là hàng tỷ đồng với hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân sự. |