- Cược thì cược nhẹ nhẹ thôi, chơi cái trò Isekai… Mà ở thế giới bên kia có gì không? Isekai phê không?
- Người lớn nó bàn (vụ tự tử) kinh kìa!
- Làm tốt lắm em trai!
Những tin nhắn của một học sinh cấp 3 gửi cho đứa con trai đang học cấp 2 vừa may mắn sống sót sau vụ tự tử bất thành khiến chị P.H. rùng mình.
Biến tướng Isekai
Câu chuyện con trai bị một hội nhóm xúi giục thử tự tử để đến với thế giới “song hành” và “tái sinh” được chị P.H. chia sẻ cho nhiều phụ huynh, bởi chị mong muốn mọi người cẩn trọng với chiêu bài của một số hội, nhóm lôi kéo con trẻ.
Theo chia sẻ của chị H., sinh mạng của một đứa nhỏ còn non nớt, chỉ mới học cấp 2, học hành giỏi giang… chưa biết về sau có di chứng ảnh hưởng gì không mà các “thủ lĩnh hội nhóm” đó còn cười và khen ngợi.
Để cảnh tỉnh nhiều phụ huynh, chị H. kể về câu chuyện con mình trên trang cá nhân: “Tôi có 1 đứa con, học cấp 2 và học rất giỏi. Không biết từ lúc nào, con bắt đầu thích, quan tâm đặc biệt đến một nhóm cosplay (có thể được hiểu là nhóm những người hâm mộ nhân vật manga, anime… hóa trang thành các nhân vật yêu thích - PV), nhóm này chủ yếu thích bộ truyện Isekai của Nhật Bản. Con đòi tham gia offline cosplay, mất nhiều thời gian để chat với nhóm. Tôi thấy không yên tâm nên nhắc nhở và con đã có thái độ phản kháng, ngày càng theo chiều hướng tiêu cực. Con thường xuyên liên lạc với nhóm cosplay qua Messenger, Zalo. Rồi một buổi chiều tối, tôi kêu con ăn cơm, con viện cớ học bài ăn trễ. Mang cơm lên phòng cho con nhưng tôi linh tính khi thấy phòng con quá yên lặng, gọi nhưng không thấy con trả lời nên kiểm tra. Lúc sau thì thấy con đã thắt cổ trên cầu thang. Con tự tử bằng khăn quàng...”.
Con trai chị H. may mắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, hôn mê gần 20 ngày. Trong lúc con hôn mê, người mẹ dù đau đớn nhưng vẫn tìm kiếm đọc các đoạn chat của con với nhóm cosplay trên, chị phát hiện nhiều sự nguy hiểm về nhóm chat của con. “Hội nhóm đó có nhiều học sinh, sinh viên, kể cả người trưởng thành đi làm.
Nhóm này đam mê một dòng truyện tranh của Nhật Bản tên là Isekai. Và vấn đề là hội nhóm đã biến câu chuyện viễn tưởng Isekai thành chuyện đời thật. Hội nhóm được dẫn dắt với những nội dung rất tiêu cực: kích động các bạn nhỏ chống lại cha mẹ, trách móc thầy cô, đổ lỗi cho cả thế giới; hướng dẫn cách phản ứng tiêu cực như bỏ ăn, nhịn ăn, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, hủy hoại bản thân.
Nguy hiểm hơn, còn hướng dẫn cặn kẽ cách thức tự tử, thậm chí gửi video clip để xem và thực hành cho chuẩn… Khi con tôi hồi tỉnh, mở mắt ra, con không hề ăn năn xin lỗi mẹ mà điều đầu tiên muốn làm là lấy điện thoại liên lạc với hội nhóm”, chị H. bức xúc.
Nâng cấp “hệ điều hành chống virus”
Không chỉ trào lưu cosplay ngày càng thịnh hành mà các cộng đồng roleplay (nhập vai, tham gia vào cốt truyện sẵn có) cũng phát triển mạnh mẽ. Thực tế, đam mê một thể loại phim ảnh và cosplay không hề xấu, chỉ có những người xấu lợi dụng điều đó để thao túng tâm lý, thúc đẩy bạn trẻ theo chiều hướng xấu, không biết phân biệt đời thực và tưởng tượng. Câu chuyện phụ huynh trên chia sẻ liên quan đến cosplay, roleplay và Isekai khiến hàng loạt phụ huynh giật mình.
Chị Hoàng Thị Thơ (43 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết, đã nghe những nhóm này từ lâu nhưng không nghĩ là kinh khủng đến vậy. “Sự biến tướng của các thể loại này đang đánh vào tuổi teen, trí tưởng tượng rất xa. Các thế lực dẫn dắt tụi nhỏ phiêu du, điều khiển dựa trên sự mềm dẻo trong cách chia sẻ, tiếp cận giữa lúc nhiều phụ huynh ngày càng bị con cái xa rời”, chị Thơ bày tỏ.
Theo TS - chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An, lứa tuổi học sinh, sinh viên là giai đoạn hình thành nên những “bộ luật tình bạn”, tương tác nhiều với bạn bè trang lứa, tạo các hội, nhóm. “Bạn bè nói gì cũng tin, cũng nghe nhưng cha mẹ thì chưa chắc. Chưa kể, tâm lý của một số bạn gen Z rất phức tạp, dễ bị đám đông lôi kéo, có xu hướng muốn tách mình ra khỏi sự kềm cặp của cha mẹ, người lớn xung quanh. Cái gì đập vào mắt là tin ngay, ít có khả năng thẩm định vấn đề nhiều chiều”, chuyên gia tâm lý Hòa An nói.
Theo anh, nếu ba mẹ càng cấm đoán, cho mình quyền phủ quyết lên con trẻ sẽ khiến con ngày càng đi xa hơn, muốn giấu diếm. Điều cần làm là phụ huynh phải lắng nghe, dành thời gian quan sát, tìm hiểu những mối quan hệ của con trong đời thực và cả trên mạng xã hội.
TS Hòa An cũng khuyên các bạn trẻ, rằng chính các bạn phải là người tự tạo cho mình bộ lọc cá nhân đủ tốt. Bất kỳ một thông tin, câu chuyện nào được chuyển tải phổ biến đều có tác động ít nhiều đến bạn trẻ và không phải thông tin nào trên mạng xã hội cũng đúng mà phải tìm hiểu nhiều nguồn.
“Khi có vấn đề nên tìm người lớn hơn, có kinh nghiệm. Đó là cha mẹ, thầy cô mà bạn yêu mến hoặc một chuyện gia tâm lý. Hiện tại, mạng xã hội rất mở, việc kết nối với các chuyên gia tâm lý không hề là khó. Các bạn cũng nên đọc sách nhiều hơn, những cuốn sách thực sự ý nghĩa để nâng tầm hiểu biết, tư duy. Như một cái máy tính được nâng cấp hệ điều hành chống virus, khi có tư duy, kiến thức, có kết nối đủ an toàn… thì người trẻ không dễ bị dẫn dắt, thao túng bởi bất cứ ai”.
Isekai hay “Dị thế giới” là một tiểu thể loại manga, anime và video game kỳ ảo của Nhật Bản, xoay quanh một người bình thường được xuyên không đưa đến hoặc bị mắc kẹt trong một vũ trụ song song. Isekai như là một cuộc trốn chạy khỏi thực tại của các fan anime. Những cuộc đời tẻ nhạt, tầm thường trở thành một cuộc đời phi thường, nhiệm màu. Ý tưởng về việc trốn chạy khỏi đời thực khá cuốn hút những bạn trẻ cuồng thể loại này. |