Thế nhưng, hiện nay việc ưu tiên và khuyến cáo nhân rộng trồng các mô hình trồng rong vẫn chưa xứng tầm.
Hướng đi mới từ rong biển
Vùng biển Đông Hà, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được biết đến là vùng nuôi tôm sú trù phú. Nghề nuôi tôm kiểu tự phát kéo dài, vùng biển nơi đây ngày một ô nhiễm nên một thời gian dài biển nơi đây hoang hóa.
Từ năm 2004, rong nho, loài thuộc rong biển được nuôi trồng thử nghiệm tại vùng ven biển phường Ninh Hải, đã tạo ra bước ngoặt cho vùng biển nơi đây. Đến nay, ở ven biển của địa phương này, đã hình thành các vùng chuyên canh rong nho để xuất khẩu với quy mô hàng chục héc- ta. Những trại nuôi rong được dựng lên dưới những lớp bạt xanh dày đặc. Ông Nguyễn Văn An, một hộ dân thôn Đông Hà, cho biết, sau khi thấy người địa phương khác đến đây trồng rong hiệu quả, ông chuyển đổi hơn 5 sào mặt nước bỏ hoang sang nuôi rong nho với các đối tác khác. Kết quả, sau 3 năm sống cùng rong nho, gia đình ông đã có nguồn thu ổn định, sống khấm khá hơn trước. Hiện nay, có hàng chục gia đình ở thôn Đông Hà cũng đã phát triển nghề trồng rong nho và đa phần đều có cuộc sống khấm khá từ việc trồng rong.
Đặt chân đến vùng đất Ninh Hải rất sớm và được xem là người đi khai hoang vùng biển nơi đây để trồng rong nho, ông Lê Nhứt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Dương Việt Nam, cho biết: Từ ngày cây rong nho bén duyên, vùng nước biển nơi đây trong xanh trở lại, nước biển không đục như nước vo gạo ngày nào. Nuôi trồng rong nho cho hiệu quả không thua nuôi tôm trên cùng một đơn vị diện tích. Không những thế, nuôi trồng rong nho còn có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với nuôi các đối tượng thủy sản khác. “Hiện nay, công ty xuất khẩu rong nho sang thị trường Nhật Bản, châu Âu… với giá khoảng 110.000 đồng/kg rong nho tươi. Sản phẩm rong nho khô xuất khẩu có giá cao gấp hơn 3 lần rong tươi và có những lúc cháy hàng. Với 3ha rong nho đang trồng để xuất khẩu, công ty tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động và hơn hết là góp phần vào việc làm sạch môi trường biển”, ông Lê Nhứt nói.
Theo các chuyên gia, rong nho có nhiều đặc điểm ưu việt. Ngoài việc đây là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, việc trồng rong nho cho thu hoạch quanh năm, sau 18 tháng nuôi mới phải vệ sinh ao nuôi, không bị thiệt hại khi có mưa lũ. Theo thống kê, hiện cả nước đã nuôi được 10.000ha rong biển, sản lượng đạt hơn 101.000 tấn rong tươi/năm. Ngoài việc trồng rong đơn thuần, nhiều địa phương đã kết hợp các mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm, vẹm xanh và rong sụn tại vùng biển Khánh Hòa; nuôi kết hợp ốc hương, tu hài và rong câu ở vùng biển Phú Yên… Theo đánh giá chung, việc nuôi kết hợp ao nuôi rong và các loại hải sản đã đem lại hiệu quả bền vững hơn nuôi độc lập, bởi khi có sự hiện diện các loài rong trong ao nuôi thì môi trường nơi đây được làm sạch tự nhiên hơn 2-3 lần.
Cần chiến lược bền vững
Theo nhận định, trước thực trạng nhiều vùng nuôi thủy sản nước ngọt hiện nay bị xâm nhập mặn, trong đó có vùng nuôi ĐBSCL, đã ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản. Các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản cho rằng, đã đến lúc cần phải nghiên cứu các loài thủy sản thích ứng với sự biến đổi này, trong đó nghề nuôi trồng rong biển là hướng đi khả quan. TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, cho biết, hầu hết các mô hình nuôi kết hợp đã cải thiện được môi trường vùng nuôi, tốc độ sinh trưởng của vật nuôi cao hơn và hiệu quả kinh tế thường tăng 1,5 - 3 lần so với nuôi đơn. Mô hình này cũng tạo ra nhiều loại sản phẩm, nguồn cung cấp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau và hơn hết là giảm rủi ro trong sản xuất. Báo cáo của Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, ở vùng biển của nước ta hiện có hơn 800 loài rong biển. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng rong biển cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, chưa có công nghệ chế biến và quy hoạch cụ thể. Hiện nay, tình trạng khai thác rong biển quá mức, khai thác tận diệt, làm suy giảm nguồn lợi này trong tự nhiên cũng đáng báo động.
Rong biển được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp, để chế biến ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Bên cạnh đó, rong biển còn được sử dụng làm mỹ phẩm, dược phẩm… Theo TS Nguyễn Thế Hân, Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang: Sản phẩm thu nhận từ rong biển được sử dụng nhiều trong thực phẩm và dược phẩm. Nhiều chất có hoạt tính sinh học quý cũng được tìm thấy và khai thác từ rong biển. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng và chế biến rong biển ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, do chưa có phương pháp khai thác, sơ chế và bảo quản phù hợp để có được nguồn rong biển nguyên liệu ổn định, có chất lượng tốt. Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Để phát triển ngành công nghiệp rong biển ở nước ta, cần tập trung xây dựng quy định, quy trình cấp phép mặt nước cho các dự án nuôi trồng rong biển; lập mô hình trồng các loại rong biển với quy mô khác nhau và nghiên cứu tác động môi trường của công nghiệp rong biển, đầu tư và hợp tác, để làm chủ công nghệ cao chế biến rong…