Trồng rau trên mặt nước

Những chiếc bè rau xanh mướt uốn lượn nối đuôi nhau trải dài trên mặt nước đã giúp anh Nguyễn Văn Đắc (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Mô hình trồng rau hữu cơ trên bè thủy sinh đang được người nông dân này tiếp tục tận dụng những vùng trũng ngập nước mở rộng diện tích.
Hàng trăm bè rau nổi trên mặt nước

Hàng trăm bè rau nổi trên mặt nước

Làm bè bằng chai nhựa cũ

Trồng rau trên mặt nước – mô hình khá lạ trong sản xuất nông nghiệp và cũng là mô hình duy nhất ở tỉnh Long An được anh Nguyễn Văn Đắc triển khai thực hiện có hiệu quả. Anh Đắc cho biết, bản thân rất thích làm nông nghiệp hữu cơ nhưng do không có đất, trong khi đó mặt nước mênh mông nên anh đã tận dụng diện tích này tự tay thiết kế những chiếc bè thả nổi trồng rau sạch.

Những bè chuẩn bị gieo trồng
Những bè chuẩn bị gieo trồng

Những bè chuẩn bị gieo trồng

Để làm được điều đó, anh Đắc thu gom các loại chai nhựa, dùng lưới bao bọc và làm khung tre để cố định tạo ra những chiếc bè nổi có chiều ngang 1m, dài 3m. Những chiếc bè này được nối với nhau bằng dây cáp để buộc với bờ. Song song với đó, anh vớt lục bình có sẵn trên mặt hồ phơi khô, ủ với các loại phân hữu cơ và rơm. Sau đó, đắp lên bè, như vậy có thể gieo hạt trồng rau.

Chuẩn bị những bè rau mới

Chuẩn bị những bè rau mới

Qua hơn 3 năm, đến nay, anh Đắc đã sở hữu gần 400 bè rau thủy sinh trên diện tích khoảng 3000m² mặt nước. Mỗi ngày, anh Đắc thu được khoảng 300 – 400 kg rau: bầu, bí, mướp, cà chua, khổ qua, rau thơm rau xanh các loại…, giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên tùy loại.

Theo anh Đắc, để có được thành quả ngày hôm nay, anh đã mất rất nhiều thời gian, mồ hôi, công sức. Còn tiền thì không tính được, bởi anh quyết tâm thực hiện cho bằng được nên thất bại đợt này, anh lại chi ra đợt khác.

Chăm sóc rau

Chăm sóc rau

“Trồng rau trên mặt nước chỉ khó lúc ban đầu. Sau nhiều thất bại, tôi rút ra được không ít kinh nghiệm và cảm thấy dễ hơn trồng trên mặt đất rất nhiều như rau được cách ly giảm hơn 80% sâu rầy, không mất thời gian tưới tiêu do rễ và thân lục bình lấy nước từ bên dưới. Độ ẩm cao nên rau giòn và ngọt, thời gian thu hoạch ngắn hơn. Đơn cử các loại rau xanh như cải trồng hơn 10 ngày có thể thu hoạch, ngắn ngày hơn so với trên đất khoảng 1 tuần", anh Đắc cho biết.

Bắt sâu thường xuyên
Bắt sâu thường xuyên

Bắt sâu thường xuyên

Hiện, tôi đã trồng thành công xà lách Đà Lạt. Tôi sẽ nghiên cứu mở rộng trồng thêm nhiều giống rau Đà Lạt mà trước giờ chỉ có Đà Lạt mới trồng được. Ngoài ra, sẽ phát triển nấm rơm sạch vì tôi vừa phát hiện qua công đoạn ủ phân, nấm rơm đã xuất hiện một cách tự nhiên. Đồng thời, 5ha mặt nước còn lại, tôi sẽ gom hết lục bình làm phân và triển khai trồng rau sạch kín mặt nước. Rau này bao kiểm định nên chỉ sợ không đủ bán chứ không sợ ế”, anh Đắc nói.

Giữ hệ sinh thái tự nhiên trong trang trại rau trên bè

Giữ hệ sinh thái tự nhiên trong trang trại rau trên bè

Giữ hệ sinh thái tự nhiên

Trên đường vào trang trại rau của anh Đắc, quan cảnh được giữ nguyên sơ, chỉ trải nhẹ đá mi để giảm sình lún mỗi khi trời mưa. Khuôn viên ven hồ được trồng các loại hoa nhiều màu sắc xua đuổi côn trùng. Các loại hoa, cỏ dại có mùi vị sâu rầy kỵ thì được giữ lại.

Dưới bờ hồ, sen súng chen chúc nhau khoe sắc. Những chiếc thuyền nhỏ, vỏ lãi được công nhân chèo nhẹ nhàng lướt quanh các bè rau để thực hiện công việc trồng, chăm sóc trong tiếng gió vi vu và líu lo chim hót.

Nhiều loại rau khác nhau được trồng trên bè

Nhiều loại rau khác nhau được trồng trên bè

Trên chiếc vỏ lãi nhỏ đưa chúng tôi tham quan thành quả của mình, anh Đắc thổ lộ, bằng tất cả tâm huyết của mình, anh cố gắng giữ gìn nơi đây là một khu sinh thái tự nhiên. Ban đêm, nếu không cần thiết sẽ không mở điện để chim muôn bay về trú ngụ, kể cả việc bắt sâu bọ thì công nhân cũng chỉ sử dụng đèn pin.

Rau dạt sẽ làm thức ăn cho cá

Rau dạt sẽ làm thức ăn cho cá

Ngoài ra, bên dưới hồ còn nuôi cá. Cá ở đây chỉ ăn chay, nghĩa là tất cả các loại rau dạt sẽ dùng làm thức ăn cho cá, tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp cũng như thức ăn khác. Vì vậy, không chỉ các loại rau có mùi vị thơm ngon khác biệt mà thịt của cá cũng dai ngon một cách lạ thường.

Chiếc vỏ lãi cặp sát bè cà chua bi đang chuyển mình trên mặt nước, anh Đắc hái những trái chín đỏ mời chúng tôi thử. Anh Đắc khẳng định, rau không phun thuốc, bao sạch, chỉ cần lau sơ bụi là có thể dùng ngay.

Những bè rau xanh mướt

Những bè rau xanh mướt

Dù dưới cái nắng chang chang nhưng được “nổi” trên mặt hồ, chúng tôi cảm thấy khá mát mẻ, vừa nhâm nhi những quả cà chua mọng nước, giòn vỏ, ngọt ruột hòa lẫn vị chua nhẹ vừa nghe anh Đắc trải lòng.

“Thời gian tới, ngoài mở rộng diện tích bè rau ra thì tôi vẫn nuôi ý tưởng sẽ xây dựng nơi đây thành khu sinh thái xanh - sạch - đẹp để phục vụ người dân, học sinh, sinh viên… tham quan, nghiên cứu về nông nghiệp sạch cũng như mô hình bè thủy sinh này. Đồng thời sẽ tổ chức phục vụ bữa ăn bằng những sản phẩm hiện có ở trang trại. Tuy nhiên, mô hình này hiện chỉ có mỗi mình tôi điều hành, vì vậy cần thời gian để chuẩn bị mọi thứ đảm bảo an toàn cũng như ổn định lao động”, anh Đắc nói.

Các bè rau được cố định với bờ bằng dây cáp

Các bè rau được cố định với bờ bằng dây cáp

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, mô hình trồng rau trên bè thủy sinh của anh Nguyễn Văn Đắc tuy mới triển khai thực hiện nhưng bước đầu mang lại hiệu quả cao. Người tiêu dùng có thêm một nguồn rau sạch để phục vụ cho bữa ăn gia đình.

Cũng từ mô hình này, ngành chức năng khuyến khích người dân tận dụng những hầm có nước đã khai thác đất trước đây hoặc những vùng trũng thấp ngập nước quanh năm để làm bè trồng rau sạch, vừa cải thiện bữa ăn gia đình lại tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, người dân phải nghiên cứu kỹ để thực hiện đảm bảo an toàn. Song song với đó là kết nối với các đại lý siêu thị để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục