Mô hình nông nghiệp trên đảo chìm
Sau khi tham quan trồng rau công nghệ cao trên nhiều đảo, ông Nguyễn Trần Hiếu, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, nhiều nhà màng, nhà lưới của trường, viện, trung tâm mang từ đất liền ra lắp ráp trên đảo giúp những cọng rau chất lượng hơn, lá phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, độ “mặn” cao đã làm những thanh sắt của khung nhà màng gỉ sét sau 2 - 3 năm; màng, lưới cũng mau mục, rách nhanh.
Các chiến sĩ trên đảo đã thay vào đó là những trụ bê tông, nhà lưới bằng những tấm nhựa, tấm tôn, được ví von là “công nghệ cao biển”. Nếu so sánh chất lượng rau, tuy không bằng nhà màng, nhà lưới nhưng cũng tốt hơn trồng ngoài trời. Bên cạnh đó, đất trồng cứ khoảng 4 tháng giảm chất dinh dưỡng suy giảm, mà thay đất thì rất tốn công sức chuyển từ đất liền ra, nên anh em dùng vôi cải tạo để tái sử dụng. Viện đã và đang nghiên cứu những vật dụng phù hợp có thể thay thế thanh sắt, tấm lưới bằng vật liệu (có thể bằng nhựa) có độ bền lâu hơn.
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), cho biết: Với diện tích chật hẹp, thời tiết khắc nghiệt, các chiến sĩ trên đảo nổi có thể trồng được nông sản rất tuyệt vời. Thậm chí, không đủ chỗ sinh hoạt mà còn có thể chăn nuôi được heo, vịt… Để rau có chất lượng tốt hơn, đi đến từng đảo, chúng tôi đã hướng dẫn các chiến sĩ cách trồng cho hiệu quả, đạt năng suất cao. AHTP sẽ nghiên cứu thay đổi “thiết kế” nhà màng, nhà lưới để tăng sức chịu đựng dưới thời tiết khắc nghiệt. Đối với tình trạng thiếu đất trồng, có thể sử dụng những viên nén tổng hợp (trong đó có đất, phân bón) với đầy đủ chất dinh dưỡng, trọng lượng siêu nhẹ, chỉ cần hòa tan với nước sẽ nở ra rất nhiều và trồng được ngay.
Ổn định nhờ điện, nước “nhân tạo”
Trên nhiều đảo, nhà giàn DK1 đã không còn lo lắng tình trạng thiếu nước ngọt, bởi đã được trang bị hệ thống lọc nước biển. Trong chuyến công tác, nhiều người trong đoàn đã uống nước trực tiếp tại vòi mới lọc từ nước biển. Nước mưa được dự trữ trong hầm để phục vụ sản xuất, tắm giặt và có thể lọc để dự trữ nước sạch trên đảo. Tương lai, các đảo sẽ tăng cường hệ thống lọc nước biển để đảm bảo đủ các điều kiện sinh hoạt.
“Trước kia thiếu điện, những tủ lạnh, tủ cấp đông dự trữ đồ ăn chỉ hoạt động vào ban ngày từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Buổi tối phải ngắt điện để phục vụ sinh hoạt trên đảo. Có nhiều ngày, buổi tối trời vẫn còn oi, nóng bức thì ngày hôm sau nhiều thực phẩm bị hư không thể sử dụng được”, anh Nguyễn Văn Vinh nhớ lại.
Thiết bị điện do nhiều nhà hảo tâm tặng, mỗi loại có cách lắp khác nhau, vì thế nguồn điện cũng không ổn định. Cho nên từ cuối năm 2017, toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời, cột gió điện được giao về cho Công ty Điện lực Trường Sa quản lý vận hành trực tiếp. Hàng quý, nhân viên điện lực đi các đảo bảo trì.