Tháng 7, hoàng hôn tan dần trên thành phố biển Vũng Tàu. Những ngọn đèn cao áp từ từ tỏa ánh sáng mát dịu dọc bờ biển cong hình mặt trăng đầu tháng. Hai chúng tôi ngồi trước tiền sảnh lầu 2 khách sạn ba sao Kỳ Hòa, Vũng Tàu, mắt đăm đắm nhìn dài ra biển Đông. Đặt ly trà Thái Nguyên xuống mặt bàn, đại tá về hưu Nguyễn Hữu Hảo, nguyên Cục phó Cục trồng trọt Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, bất ngờ hỏi:
- Cậu có tin hơn hai mươi năm trước, mình ra Trường Sa trồng rau không?
- Đảo Trường Sa - giữa đại dương sóng dữ cũng có đất ruộng để trồng rau sao! - tôi hỏi.
Dù đã nghỉ hưu nhưng cả hai chúng tôi cùng tham gia công tác Đảng ở địa phương, anh làm bí thư chi bộ khu phố 4, tôi ở khu phố 2, phường 8, quận Gò Vấp (TPHCM), hai nhà cách nhau hơn 200 thước. Hàng tuần chúng tôi vẫn thường gặp nhau trao đổi tình hình khu phố. Ấy thế, mãi bây giờ được cùng ngắm biển bao la tôi mới nghe anh kể chuyện ra Trường Sa trồng rau. Lạ quá chứ!
Bộ đội Trường Sa trồng rau xanh trên đảo
1. Năm mươi sáu năm trước (1959), chàng thanh niên đất Hà thành Nguyễn Hữu Hảo tốt nghiệp phổ thông trung học. Câu hỏi đặt ra lúc ấy là sẽ thi vào trường đại học nào để khi ra trường kiếm được việc làm. Biết bên kia sông Hồng, tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm có Trường Đại học Nông nghiệp chuyên đào tạo kỹ sư nông nghiệp, anh viết đơn thi vào khoa trồng trọt. Bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Hữu Hảo không chỉ được tận mắt nghe các nhà nông học lừng danh như Bùi Huy Đáp, Lương Đình Của… truyền đạt kiến thức khoa học nông nghiệp mà còn được đi, được đến với người nông dân ở các hợp tác xã trên khắp miền Bắc đang “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, có cơ hội đem kiến thức đã học ở nhà trường giúp bà con nông dân áp dụng vào quy trình kỹ thuật cấy lúa thẳng hàng, sử dụng cào sắt nhỏ như bàn tay làm cỏ, sục bùn khi cây lúa đang thì con gái, nuôi bèo hoa dâu trên mặt ruộng… Những chuyến đi thực tế như vậy còn hỗ trợ chàng trai Hà Nội nắm bắt nhiều kinh nghiệm truyền thống của nông dân từ cách trồng rau xanh ngắn ngày đến bảo quản hạt giống từ vụ trước sang mùa sau. Năm 1963, tốt nghiệp, Nguyễn Hữu Hảo tình nguyện lên Bắc Kạn cách Hà Nội ngót 100km phục vụ phong trào Hợp tác xã nông nghiệp. Sau 3 năm gắn bó với mảnh đất “Quê hương Cách mạng” nhờ tích lũy được một số kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng đưa khoa học phục vụ sản xuất của nông dân, Nguyễn Hữu Hảo được điều lên công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên - Bắc Kạn) và được đề bạt giữ chức trưởng phòng trồng trọt. “Trong lúc sự nghiệp, công danh đang hanh thông thì ở miền Nam, Quân Giải phóng mở nhiều đợt tiến công trên khắp các chiến trường, lớp thanh niên chúng tôi thời bấy giờ dù ở cương vị công tác nào cũng không thể ngồi yên, ai cũng náo nức xin vào bộ đội, cầm súng ra chiến trường” - Nguyễn Hữu Hảo nhấp cạn ly trà, kể. Từ anh kỹ sư trưởng phòng trồng trọt của một ty nông nghiệp miền núi, Nguyễn Hữu Hảo đăng ký tham gia quân đội, trở thành anh lính binh nhì ngành hậu cần phục vụ bộ đội.
Biết Nguyễn Hữu Hảo là kỹ sư ngành trồng trọt, năm 1974 lãnh đạo Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng điều anh bổ sung quân số cho Cục Sản xuất. Ở môi trường chiến đấu mới, anh lính binh nhì Nguyễn Hữu Hảo cảm thấy rất hạnh phúc vì tiếp tục được đem kiến thức và kinh nghiệm của một kỹ sư trồng trọt áp dụng vào việc trồng rau, nuôi heo phục vụ bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Nhận nhiệm vụ mới, anh nghĩ ngay tới việc áp dụng mô hình V.A.C (vườn - ao - chuồng), kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản để tăng thêm giá trị dinh dưỡng trong từng bữa ăn cho bộ đội. Mô hình V.A.C mà anh và đồng đội ở Cục Sản xuất Tổng cục Hậu cần triển khai trong thập niên 70 (thế kỷ 20) đưa lại hiệu quả ngoài dự kiến. “Mỗi năm chúng tôi cung cấp khoảng 120.000 tấn rau xanh trồng theo phương pháp hữu cơ và hàng ngàn tấn thịt, cá tươi sống cung cấp cho bộ đội. Mô hình V.A.C nhanh chóng trở thành phong trào chung của nông dân ở những địa phương có các đơn vị bộ đội đóng quân” - đại tá Nguyễn Hữu Hảo tâm sự.
2. Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh (lúc bấy giờ) cùng Trung tướng Chủ nhiệm Tổng Tổng cục Hậu cần Nguyễn Trọng Xuyên trong một chuyến ra thăm bộ đội Trường Sa đã chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nâng niu cắt từng ngọn rau xanh hiếm hoi nấu canh đãi thủ trưởng từ đất liền ra. Bộ đội Trường Sa gọi những ngọn rau ấy là “đặc sản của Trường Sa” đã làm Bộ trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần không khỏi xúc động và suy nghĩ. Trở về đất liền, đích thân Bộ trưởng Lê Đức Anh chỉ đạo Tổng cục Hậu cần tìm mọi biện pháp giải quyết bằng được rau xanh cho bộ đội Trường Sa. Ngay sau cuộc làm việc này, Trung tướng Nguyễn Trọng Xuyên gọi Nguyễn Hữu Hảo và các đồng chí cán bộ chủ chốt của Cục Sản xuất đến truyền đạt mệnh lệnh của Bộ trưởng Lê Đức Anh yêu cầu lo rau xanh tại chỗ cho bộ đội Trường Sa. Nguyễn Hữu Hảo giải thích: “Ngày ấy, đưa rau xanh từ đất liền ra Trường Sa chỉ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng phải giữ để ăn quanh năm. Vì thế, bộ đội Trường Sa coi rau xanh như thực phẩm đặc sản - đó là điều dễ hiểu”. Do chưa một lần ra Trường Sa, nhưng để hoàn thành được nhiệm vụ mới mẻ và không ít khó khăn này, Nguyễn Hữu Hảo thân chinh đến Cục Quân lương, Cục Hậu cần hải quân, tiếp cận với Chỉ huy Vùng 4 hải quân… tìm câu trả lời “Vì sao Trường Sa không trồng được rau xanh?”. Qua tìm hiểu, Nguyễn Hữu Hảo biết hàng năm, bộ đội Trường Sa vẫn nhận được hàng trăm ký các loại hạt giống rau từ đất liền chuyển ra. Thậm chí, Vùng 4 hải quân còn chuyển cả đất màu mỡ ra đảo làm giá thể cho bộ đội trồng rau nhưng hiệu quả rất thấp.
Để giải quyết bài toán rau xanh tại chỗ cho Trường Sa, kỹ sư Nguyễn Hữu Hảo nghĩ ngay tới kinh nghiệm của nông dân vùng thường xuyên bị mưa bão. Sau mỗi đợt thiên tai, bà con trồng rau ăn lá ngắn ngày chủ yếu là rau củ cải để làm thực phẩm. Từ kinh nghiệm của nông dân, Nguyễn Hữu Hảo cùng cán bộ Phòng Kỹ thuật Cục Sản xuất đề xuất lãnh đạo Tổng cục Hậu cần được ra Trường Sa nghiên cứu thực địa về khí hậu, thổ nhưỡng, sức gió… đồng thời tiến hành trồng thử nghiệm rau cải củ. Để thực hiện hiệu quả của chuyến ra Trường Sa, Nguyễn Hữu Hảo đề xuất Tổng cục Hậu cần cấp 100 khay gỗ hình thoi, diện tích 0,4m x 0,6m, đáy sâu 0,2m, dài 0,4m chứa sẵn đất xếp lên tàu cùng anh và một số cán bộ kỹ thuật ra Trường Sa. “Hạt giống chất lượng không sợ thiếu, riêng đất trồng rau do được Huyện ủy, UBND huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vận động nhân dân hiến mặt đất ruộng màu mỡ ủng hộ với số lượng 3.000kg. Nông dân coi đây là món quà gửi tặng Trường Sa” - Nguyễn Hữu Hảo phấn khởi kể. Hơn nửa tháng ròng rã. Hết đảo Nam Yết sang Song Tử Tây, từ đảo Sơn Ca sang đảo chìm…với ý chí của người lính, Nguyễn Hữu Hảo cùng cán bộ kỹ thuật Cục Sản xuất vừa làm vừa hướng dẫn chiến sĩ Trường Sa kỹ thuật gieo hạt, bảo quản hạt giống, biện pháp chăm sóc và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nguyễn Hữu Hảo nắm tay tôi, giọng xúc động: Sau mười ngày, từ Song Tử Tây quay lại Nam Yết, vừa phát hiện tàu của chúng tôi, đồng chí Quân, phụ trách sản xuất của đảo, hồ hởi nói át tiếng sóng biển, khoe rau lên rất đẹp. Quân mời chúng tôi chụp ảnh về báo cáo với Bộ trưởng Lê Đức Anh.
3. Cuối năm 1991, Tổng cục Hậu cần tổng kết đề tài trồng rau xanh ở Trường Sa, Đại tá Nguyễn Hữu Hảo và cán bộ phòng kỹ thuật đưa ra quy trình đóng bao bì chứa các loại hạt giống rau cung cấp cho Trường Sa. Theo đó, trọng lượng mỗi túi chỉ 10gr được bọc 3 lớp chống ẩm; đầu tư mỗi đảo 10 khay trồng. Riêng đảo chìm từ 10 - 15 khay, đảm bảo đất trồng chống được nhiễm mặn để kéo dài chu kỳ sản xuất. Hội nghị kết thúc, Nguyễn Hữu Hảo sang ngay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn gặp Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đề nghị hỗ trợ hạt giống, phân bón giàu dinh dưỡng cùng 100 khay trồng diện tích 0,5m x 0,7m. Hay tin, từ TPHCM Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam Nguyễn Văn Nguyện đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn để ngành cao su tặng 100 khay trồng rau làm bằng chất liệu composite gửi tặng Trường Sa.
Kết thúc câu chuyện ra Trường Sa trồng rau, Nguyễn Hữu Hảo hạ một câu chắc như đinh đóng cột: “Từ sự chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Đức Anh và quyết tâm của Tổng cục Hậu cần đến năm 1997, toàn bộ huyện đảo Trường Sa cơ bản giải quyết được rau xanh tại chỗ”. Anh cũng tiết lộ, đề án này đã được nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Sự thành công của việc trồng được rau xanh tại Trường Sa đã tạo cảm hứng cho Nguyễn Hữu Hảo cùng các kỹ sư công tác ở Tổng cục Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thành công đề tài cấp bộ (1992 - 1996): “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa”. Năm 1995, công trình này vinh dự nhận “Giải thưởng nhà nước”.
KHUYNH DIỆP