UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã có quyết định đồng ý để Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vịnh Nha Trang với thời gian 5 năm.
Dự án phi lợi nhuận chủ yếu để phục vụ mục tiêu bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vịnh Nha Trang.
Với quyết định này, doanh nghiệp được tỉnh Khánh Hòa giao 28ha tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Mục tiêu là bảo tồn, phục hồi, phát triển đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái biển với mức đầu tư khoảng 14,7 tỷ đồng, do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí.
Đây cũng là một trong dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hồi tháng 3-2022.
Theo tài liệu, rạn nhân tạo phục hồi san hô có diện tích sử dụng đất dưới đáy biển chừng 1,9ha, có độ sâu 4-4,5m. Rạn nhân tạo được lắp đặt từ bêtông đúc sẵn trên bờ, đá tự nhiên, có hình dáng rạn nhân tạo là hình trụ rỗng…, nhưng đảm bảo không chứa thành phần độc hại với các loài thủy sinh và bền vững trong môi trường nước biển.
Đối với giai đoạn vận hành, chủ đầu tư áp dụng kỹ thuật nuôi dưỡng san hô, đảm bảo các điều kiện môi trường để duy trì phục hồi, phát triển san hô. Đồng thời, họ giám sát sự ổn định của vườn ươm san hô, rạn nhân tạo, bảo vệ chất lượng nước biển nhằm hạn chế phát triển của các sinh vật gây hại cho san hô.
Ngoài ra, sau khi được bàn giao khu vực biển tại thực địa, chủ đầu tư sẽ tiến hành cắm mốc bằng phao phân vùng để hạn chế ảnh hưởng của bên ngoài tới hệ sinh thái biển, hoạt động giao thông đường thủy. Phối hợp với các lực lượng của chính quyền, địa phương ngăn chặn các hành vi xâm hại hệ sinh thái trong vịnh Nha Trang; chấp hành nội quy bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nghiêm cấm hành vi săn bắt sinh vật biển.
Sau thời gian thực hiện, dự án phục hồi đa dạng sinh học đạt kết quả khả quan với hàng chục nhánh san hô thuộc giống Acropora tươi tốt. Theo đó, tổng cộng có khoảng 770 tập đoàn san hô trên khung vườn ươm (khung nhựa) và nền đáy tự nhiên.
Trong đó, có 424 loài Acrpora robusta và 346 loài Acropora muricata được sử dụng. Sau 9 tháng thực hiện phục hồi, tỷ lệ san hô sống đạt hơn 61%, trong đó tỷ lệ san hô sống trên khung vườn ươm cao hơn. San hô thực hiện dự án đạt mức tăng trưởng 11,6 mm/tháng và đây là tín hiệu rất tốt trong tiến trình phát triển của san hô.
Trước đó, Báo SGGP phản ánh san hô ở khu vực đảo Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt, phủ trắng hàng trăm mét vuông. Dưới đáy biển tan hoang, xơ xác, và không có nhiều cảnh cá cũng như sinh vật biển vốn phong phú, đa dạng như trước đây. Điều này khiến nhiều người mê lặn biển, dân địa phương và du khách tiếc nuối.
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND tỉnh phải có đánh giá thực chất tình trạng công tác bảo tồn rạn san hô, làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, tỉnh phải đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục, buộc hoàn thành trong báo cáo kết quả, gửi Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19-6.