1. Nhiều lần ra vào các bảo tàng trong thành phố, có thể thấy sự kiện ra mắt trưng bày chuyên đề mới, khai mạc một triển lãm nào đó hay hoạt động kỷ niệm ngày di sản văn hóa… là những lúc bảo tàng đông khách hẳn, dù chẳng phải đợi đến cuối tuần. Nhưng khách đến nhanh và ra về cũng vội theo sự kiện, người nấn ná lại cũng chỉ vì gặp gỡ vài bạn bè thân quen. Hình ảnh vẫn treo trong phòng, hiện vật nằm yên ở khu vực trưng bày, trầm mặc nhìn khách xôn xao trong chốc lát.
Nói vậy cũng không có nghĩa là bảo tàng vắng hoe, các đoàn học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên ở những đơn vị công lập và tư nhân vẫn lên kế hoạch tham quan bảo tàng. Bởi hơn cả những giờ học lịch sử hay miệt mài đọc tài liệu, người ta “ôn cố tri tân” qua những hiện vật đi cùng năm tháng, là cách dễ dàng chạm vào trái tim người nghe nhất. Hiện vật, cổ vật có cái đã không còn nguyên vẹn theo thời gian, nhưng chính những chỗ sứt mẻ, những vết nứt lại có sức thuyết phục người xem hơn bao giờ hết, lịch sử cũng từ đó mà kể thành những câu chuyện mềm mại hơn nhiều bài học trong sách giáo khoa.
Nhưng đó là góc nhìn của một người thích tìm tòi hoặc công việc buộc phải tìm về những giá trị di sản; cũng có thể là góc nhìn của các bạn học sinh tròn mắt đầy ngạc nhiên, thích thú khi nghe chị hướng dẫn viên kể chuyện thời chiến tranh, hay hiện vật này đã hơn 3.000 năm tuổi… Với khách quốc tế, đến bảo tàng là để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của vùng đất mới là hẳn nhiên, bởi thế mà họ cũng là một lượng khách quan trọng của các bảo tàng hiện nay.
Điểm đặc biệt của các bảo tàng tại TPHCM, không chỉ có hiện vật, tư liệu mà chính “chiếc áo” bên ngoài cũng là một di sản. Phần lớn các bảo tàng trong thành phố đều được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật, những tòa nhà đã có trên dưới 100 năm chứng kiến bao đổi thay trong lòng đô thị… Và trong không gian thinh lặng vốn quen thuộc và đặc trưng của bảo tàng, người ta tìm đến những giá trị của ký ức để lắng nghe nhịp sống hôm nay, nghe thấy một bài toán còn nan giải trong chuyện làm thế nào để bảo tàng thu hút và giữ chân du khách. Suy cho cùng, ứng dụng công nghệ trong trưng bày hay số hóa trên nền tảng trực tuyến mà không đủ hấp dẫn thì cũng không thể giữ chân khách lâu dài.
2. Vài năm trở lại đây, phong cách retro (được hiểu là cảm hứng hoài niệm) thịnh hành trong giới trẻ, bảo tàng trở thành điểm đến của những bộ ảnh thời trang đậm nét xưa. Những tia nắng chiều xuyên qua cửa ô cửa kính, cầu thang gỗ ở Bảo tàng TPHCM hay mấy bức tường vàng ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trở thành bối cảnh chụp ảnh của nhiều bạn trẻ.
“Tôi không phải là một người chuyên tìm hiểu hay quá yêu thích những câu chuyện từ hiện vật, cổ vật, tôi thích tìm hiểu kiến trúc ở các bảo tàng nhiều hơn. Chịu khó quan sát trong một ngày, bạn sẽ thấy những công trình kiến trúc này được thiết kế rất ấn tượng. Ánh nắng vào mỗi lúc sáng - trưa - chiều sẽ tạo ra những khu vực đẹp nhất khác nhau trong tòa nhà, chịu khó chọn góc hình thì sẽ có ngay những bộ ảnh rất lung linh mà không mất nhiều thời gian để làm hậu kỳ”, Đỗ Mai Anh (28 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.
Trong sự bùng nổ của mạng xã hội, bảo tàng cũng tiếp cận công chúng qua nhiều hình thức mới trong không gian trực tuyến. Khái niệm đi bảo tàng của bạn trẻ gen Z cũng có nhiều góc độ, đến Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để học vẽ hay đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM để coi hát bội, học vẽ mặt nạ tuồng… Và nhiều sự kiện triển lãm, ra mắt bộ sưu tập mới cũng được các thương hiệu quốc tế chọn trình diễn ở bảo tàng, khách tham gia chiêm ngưỡng thiết kế mới trong không gian hoài niệm.
Và trong không gian vốn lặng yên quen thuộc của bảo tàng, những thanh âm mới biết đâu sẽ đánh thức nhiều giá trị. Đan xen giữa những điều mới mẻ, người ta còn nhận ra bức tranh sơn mài của thế kỷ trước, một chiếc vòng ngọc từ cung đình hay vết tích từ thuở khẩn hoang… Chắc chắn là một chuyện đáng mừng, khi bằng một cách nào đó, các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản và bản sắc cội nguồn vẫn tồn tại trước những đổi thay của cuộc sống.
Khái niệm đi bảo tàng cũng như chuyện người ta đi cà phê, không hẳn là chỉ uống cà phê, bảo tàng của thời 4.0 cũng có đủ “chiêu” để chiều lòng thượng đế. Đâu đó, vẫn có ý kiến đặt ra lo ngại, khi có quá nhiều sự kiện, liệu rằng sẽ ảnh hưởng đến không gian trưng bày, thậm chí là quản lý hiện vật? Nhưng nếu không khác biệt, thì làm sao có sự thay đổi cho những điều quá vãng. Hiện vật, tư liệu vẫn ở yên đó, nhưng lượng khách ra vào nhiều hơn chắc hẳn là cơ hội để bảo tàng chạm tới công chúng nhiều hơn.