
Trong trang phục mùa hè trẻ trung, nền nã, bà Hoàng Thị Thương, Giám đốc Nhà hát Hòa Bình, say sưa phác thảo với chúng tôi nhiều ý tưởng mới, từ chuyện biểu diễn ca nhạc thời trang đến chiếu phim, công tác đào tạo, tiếp thị mang tính chuyên nghiệp về các lĩnh vực sân khấu-điện ảnh-kịch trường, cách thu hút khán giả.

Bà Hoàng Thị Thương
Bà Hoàng Thị Thương nói:
- Chức năng của nhà hát vẫn là biểu diễn sân khấu, ca nhạc, chiếu phim, dịch vụ sân khấu. Ngoài ra nhà hát còn làm nhiều dịch vụ như nhận tổ chức lễ hội ở Đà Lạt, Cà Mau, các tỉnh khác. Anh em có việc làm nên dễ phát triển tay nghề. Có thể thông qua thương hiệu nhà hát để làm các dịch vụ có liên quan một cách hợp lý. Phải mở rộng liên kết, kêu gọi nguồn vốn để phát triển, từ đó xây dựng mô hình hoạt động mới. Bây giờ xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật tốn không dưới 1 tỉ đồng.
Vừa qua, chương trình “Mẹ, em và tôi” của Huỳnh Phúc Điền tốn trên 1 tỉ đồng, sắp tới chương trình về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể chi phí còn cao hơn. Vậy mở rộng liên kết là một đường hướng cần thiết để bảo đảm chất lượng hoạt động của nhà hát về lâu dài.
- Khi gặp gỡ báo chí nhân ngày Báo chí 21-6 vừa qua, ông Lâm Đình Chiến, Chủ tịch UBND quận 10, có đề cập đến chuyện xây dựng một cụm trung tâm văn hóa mà Nhà hát Hòa Bình là nòng cốt, vậy dự án này bao giờ khởi động và hiệu quả sẽ ra sao?
- Quận 10 sẽ hình thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật, trong đó có cụm chiếu phim, rạp hát, dịch vụ ăn uống, sân khấu, cụm nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ giải trí, câu lạc bộ, một hệ thống trường lớp đào tạo, phòng tổ chức hội nghị, khán phòng lớn nhỏ liên hoàn trong một khu vực v.v... Triển vọng là sáng sủa, tuy cũng phải trăn trở trước thực tế cuộc sống và nhu cầu văn hóa đích thực của một xã hội đương đại. Nhà hát đề xuất với các cấp thẩm quyền về việc mở rộng chức năng, trong đó có công tác đào tạo mang tính chuyên nghiệp về “công nghệ giải trí”, có thể là đào tạo kỹ năng quản trị sân khấu, quản trị nhà hát, các ngành nghề mang tính chất kỹ năng sân khấu dưới dạng những lớp ngắn ngày.
Riêng hóa trang, quản trị nghiệp vụ tiếp thị sân khấu, kỹ năng âm thanh ánh sáng hiện nay cũng rất cần. Muốn sản xuất phim một cách chính quy hiện đại, đi tìm ê kíp thư ký trường quay chuyên nghiệp rất khó. Chúng ta rồi cũng phải tìm hiểu công nghệ giải trí của các nước trong khu vực, cập nhật hóa kiến thức thông tin. Như vậy, mở rộng chức năng của nhà hát chính là mở rộng liên kết, hợp tác. Đây là điều bức xúc.
- Các hoạt động tại chỗ và thường nhật của nhà hát có gì mới?
- Nhà hát không từ bỏ những chương trình nghệ thuật lớn như “Tuổi thần tiên” chẳng hạn. Tất nhiên khi muốn xây dựng một chương trình hoành tráng, phương phi, mang tầm vóc lớn cần có vốn tài trợ. Ngoài ra chúng tôi nghĩ tới liên kết cùng hợp tác tổ chức các chương trình giao lưu các đoàn nghệ thuật nước ngoài theo hướng thị trường. Không phải là những chương trình đơn thuần biểu diễn hữu nghị. Và chúng ta không ngồi thụ động chờ nước ngoài đến, mình đi tìm họ thông qua các cuộc tổ chức biểu diễn ở khu vực, chọn lọc mời những chương trình văn hóa đặc sắc vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa hấp dẫn và thu tiền được.
Có lẽ chiến lược tới của nhà hát là mở rộng tiếp thị, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tổ chức những chương trình có chất lượng nghệ thuật và vận hành trong điều kiện của thị trường. Tư duy mới trong hoạt động của nhà hát, theo chúng tôi là cần biết khán giả muốn cái gì, nhu cầu thưởng thức của tuổi trẻ và người lớn tuổi ra sao? Từ đó mạnh dạn thay đổi cung cách hoạt động và chấp nhận rủi ro trong điều kiện hội nhập. Không dám dấn thân sẽ khó cạnh tranh thắng lợi, dù ngay trên sân nhà.
XUÂN THÁI