Trông người mà ngẫm đến ta

Bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa, tư tưởng đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến đối mọi tượng khán giả, chính bởi vậy mà có thể xếp điện ảnh là một trong những loại hình tác động mạnh mẽ nhất tới công chúng. Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan đã thực hiện hiệu quả chiến lược quảng bá văn hóa, con người và cả phát triển kinh tế qua điện ảnh. 
Phim A Wild Roomer (Hàn Quốc) đoạt nhiều giải thưởng ở LHP Busan 2022
Phim A Wild Roomer (Hàn Quốc) đoạt nhiều giải thưởng ở LHP Busan 2022

Có thể dễ dàng thấy nhờ quảng bá thành công qua điện ảnh, Hàn Quốc đã tăng sản lượng xuất khẩu ẩm thực dân tộc (kim chi, bánh gạo, ớt bột…); tăng lượng khách du lịch... Không chỉ dừng lại ở đó, người xem phim Hàn còn cảm nhận được lòng tự hào dân tộc, là tinh thần yêu nước, là nền nếp gia phong trong mỗi gia đình ở xứ sở kim chi. 

Như nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long chỉ ra, xã hội Hàn Quốc không phải không có những cô gái làm tiền trơ tráo, hay những đứa con đại nghịch, vô đạo, những người trẻ chê kim chi, sính fast food và tối mắt trước sự hào nhoáng của văn hóa, hàng hóa phương Tây... Nhưng khi xem phim truyền hình Hàn Quốc, dường như ta khó tìm những kiểu người như thế. Bởi người làm phim truyền hình hoàn toàn ý thức trách nhiệm giáo dục của mình trên phương tiện truyền thông đại chúng này. Trong các bộ phim Hàn, dù bất cứ ở lĩnh vực nào, từ một anh bác sĩ hay người bán rau, bán cá, từ một nhà kinh doanh đến một anh đầu bếp nhà hàng, đều toát lên lòng đam mê yêu nghề tha thiết... Đặc biệt, trong mỗi công việc thầm lặng ấy bao giờ cũng có chỗ đứng số một của tình yêu. Vì tình yêu người ta có thể vượt qua tất cả, và vì tình yêu mà người ta lớn hơn, tự hoàn thiện hơn. 

Tương tự ở Nhật Bản, theo đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, việc sử dụng phim ảnh để giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc là một tiêu chí được đặt ra như một hoạt động thường xuyên. Và họ cho rằng, đấy là phương pháp truyền tải thông tin giáo dục quốc dân vào loại hiệu quả nhất, bởi nghệ thuật nghe nhìn đã đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng mắt thấy”.

Ở Việt Nam, điện ảnh, truyền hình cũng bắt đầu thể hiện sức mạnh dẫn dắt khi tạo ra nhiều xu hướng ẩm thực, du lịch… Ví dụ, sau khi phim Mắt biếc được chiếu, Huế có café Mắt biếc, có cây ngô đồng trở thành điểm check-in nổi tiếng cho du khách khi đến địa phương. Hay như ngôi nhà của người Mông trong phim Chuyện của Pao cũng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng khi đến với cao nguyên đá Hà Giang và rõ rệt nhất có thể thấy vùng đất Phú Yên đã trở thành điểm đến được yêu thích khi Hoa vàng trên cỏ xanh bùng nổ ở các phòng vé…

 Song dường như đó mới chỉ dừng lại ở việc tạo trào lưu, bề nổi đơn thuần chứ chưa tạo thành sức mạnh thay đổi về nhận thức, tạo nền tảng về tư tưởng, đạo đức, con người… Và hơn bao giờ hết, trong thời điểm khi thế giới trở nên “phẳng” hơn thì điện ảnh Việt cần nhiều hơn nữa những tác phẩm hay, những câu chuyện đẹp để “định danh” văn hóa, để có thể lan tỏa mạnh mẽ, nhằm hướng khán giả tới những giá trị chân thiện mỹ thay vì chỉ chạy theo trào lưu “sống ảo” đơn thuần. 

Tin cùng chuyên mục