Chiều 15-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Có 486 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành thông qua nghị quyết, chiếm 97,59 %.
Kỳ họp này, Quốc hội chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành: Xây dựng, TT-TT, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các thành viên khác của Chính phủ tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội yêu cầu nâng cao năng lực quản lý đô thị, sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học, bệnh viện...
Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, bền vững và an toàn.
Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư. Có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt, chất lượng, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.
Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội. Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.
Xử lý triệt để SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM “rác”, phát tán tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”.
Đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với lĩnh vực thanh tra, Quốc hội yêu cầu xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.
Khẩn trương xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…