Chiều 16-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm. Phấn đấu thực hiện từng bước đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đánh giá chính xác tình hình thế giới và nhu cầu trong nước, cân đối, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm…
Đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào và các vật tư chiến lược, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung - cầu, bình ổn giá.
Các bộ, ngành, địa phương tính toán kỹ khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần phải đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư trên thị trường vốn, bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, nhất quán và phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu hạ lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng.
Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới. Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đồng thời, bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen”.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội nêu rõ, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước. Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng. Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.