Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gửi đến ĐBQH (phục vụ hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH chiều 13-8), thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên phạm vi cả nước nói chung và tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp nói riêng tiếp tục được giữ vững; tuy nhiên, còn nhiều diễn biến phức tạp.
Các thành phố lớn, các khu công nghiệp là nơi tập trung các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng, tập trung đông dân cư nên cũng là địa bàn tập trung chống phá của các thế lực thù địch, phản động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; triệt để lợi dụng các “sự kiện” nhạy cảm hoặc cố tình tạo ra các “sự kiện”… để xuyên tạc tạo sự hoài nghi, hình thành tâm trạng bức xúc trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân từ đó kích động tập trung đông người, tuần hành gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, cực đoan, khủng bố phá hoại.
Riêng tại TPHCM xảy ra 2 vụ khủng bố bằng bom xăng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và vụ khủng bố bằng chất nổ tại trụ sở Công an phường 12, Tân Bình.
Đáng lưu ý, trong một số vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy (có cả đối tượng nhiễm HIV), với tâm lý “sống ảo”, thích được thể hiện và được thuê mướn tham gia biểu tình (từ 200.000 – 400.000 đồng/lần tham gia), với hành vi tham gia rất manh động, liều lĩnh, là cốt cán trong các hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, kể cả thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại.
Hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM được kiềm chế và giảm về số vụ, nhưng vẫn nổi lên phức tạp là hoạt động của tội phạm có tổ chức (chủ yếu dưới các dạng băng nhóm đâm thuê, chém mướn, bảo kê bến bãi, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ; tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê...); tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản trên đường phố...
Đáng lưu ý, các đối tượng hoạt động rất manh động khi bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí tấn công lại người dân gây lo lắng trong nhân dân, điển hình là vụ nhóm đối tượng trộm cắp ở TPHCM khi bị người dân truy đuổi đã tấn công lại làm 2 người chết, 3 người bị thương...
Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, theo người đứng đầu ngành công an, “còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là hoạt động kích động công nhân đình công, lãn công, tham gia biểu tình trái pháp luật; các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến; các băng nhóm tội phạm có tổ chức (chủ yếu là các đối tượng hình sự bên ngoài, câu kết với các phần tử xấu trong công nhân) thực hiện các hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của công nhân; tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi, cờ bạc, mại dâm... sẵn sàng gây ra các vụ đâm, chém, siết nợ, đòi nợ thuê, gây phức tạp tình hình tại các khu công nghiệp tập trung đông công nhân”.
Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc triển khai toàn diện các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh trật tự chung trên phạm vi toàn quốc, trong đó xác định các địa bàn trọng điểm cần ưu tiên là các thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự xã hội; Đề án xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy. Tại các khu công nghiệp, triển khai việc thành lập một số Đồn Công an để đảm bảo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn đặc thù. Riêng về đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, trong đó có 10 địa bàn phức tạp nhất về tội phạm có tổ chức để tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả...
Công an các tỉnh, thành phố đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai toàn diện giải pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn; xây dựng các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại lớn diễn ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố; đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động, nhất là hoạt động kích động biểu tình trái pháp luật. Công an các tỉnh giáp ranh Hà Nội và TPHCM đã ký các quy chế phối hợp trong công tác nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động lưu động. Thường xuyên tổ chức tổng kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quản lý vũ khí, vật liệu nổ góp phần phòng ngừa tội phạm; duy trì và nhân rộng mô hình kết hợp lực lượng tuần tra kiểm soát phòng, chống tội phạm (mô hình 141 của Công an Hà Nội).
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) hỏi về việc Bộ Công an đã cấp 500 biển số xanh sai quy định, đã xử lý đến đâu.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc cấp biển số này “cơ bản là đúng với Thông tư của Bộ”, nhưng cũng có những vận dụng không đúng, nên Bộ Công an đã tiến hành thu hồi gần như toàn bộ 500, hiện chỉ còn 20 biển chưa thu hồi được, do xe hết hạn lưu hành, hoặc đơn vị đó giải tán. Đồng thời, Bộ cũng đã kiểm điểm các đơn vị, cá nhân cấp sai, khiến dư luận không đồng tình. ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý tiếp tục tranh luận: “Bộ trưởng nói thực hiện đúng Thông tư của Bộ thì sao lại thu hồi? Xe mang biển cấp sai vẫn lưu hành, tại sao không thu hồi được biển”? Bộ trưởng Tô Lâm sau đó cho biết “vẫn đang tiếp tục truy tìm xe để thu hồi triệt để các biển số cấp không đúng”.
Tiếp tục truy vấn về vi phạm pháp luật của một số sĩ quan, tướng lĩnh trong lực lượng công an thời gian qua gây bất bình dư luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội chất vấn: “Sau vụ Vũ nhôm, Bộ đã rà soát lại những tổ chức như của Vũ nhôm chưa? Giải pháp trong thời gian tới như thế nào”? Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề cập đến tình trạng chiếm đoạt Quỹ bảo trì chung cư của một số doanh nghiệp ngành công an và cho rằng đây là hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng”.
Liên quan đến những vi phạm pháp luật trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia vừa qua, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu vấn đề: “Các lực lượng công an địa phương có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra vi phạm gian lận thi cử?”. Đây cũng là vấn đề được Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh. Bà Hải nói: “Lực lượng công an có mở rộng phạm vi điều tra gian lận thi cử không? Thời gian điều tra bao lâu? Việc này ảnh hưởng lớn đến quyền học tập của các thí sinh khác”.
Không né tránh những vấn đề liên quan đến nội bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là những bài học xương máu, đau xót cho ngành công an và cam kết sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh và “không có giới hạn nào trong điều tra, xử lý tội phạm để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, kể cả cán bộ chiến sĩ trong ngành”.
Về vụ việc gian lận thi cử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã phối hợp các địa phương có liên quan khởi tố 3 vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong tổ chức thi cử… “Đúng là cũng đã có những thủ đoạn rất tinh vi. Lực lượng công an tham gia nhiều khâu trong tổ chức thi cử theo quy trình cụ thể, chúng tôi cũng đã phát hiện có dấu hiệu có vi phạm và đang điều tra làm rõ”. Người đứng đầu ngành công an một lần nữa nhấn mạnh, kể cả công an nếu phát hiện có vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng.