Hình ảnh lấn át
Nhiều ca sĩ đang cạnh tranh bằng việc phát hành MV, chạy đua lượt xem trên YouTube và các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước. Để tung MV, ca sĩ cũng phải biết cách “né” các tên tuổi đang hot mới mong lọt top trending.
Để ý xem những MV được ra mắt gần đây, có thể thấy rõ phần hình ảnh, những câu chuyện drama mới là thứ đang thu hút khán giả. Âm nhạc dường như được một số nghệ sĩ biến hóa trở thành nhạc nền cho những câu chuyện được thêu dệt trong MV, hoặc dùng hình ảnh MV để khỏa lấp những yếu kém chuyên môn âm nhạc.
Ra mắt giữa tháng 5, MV Không thể cùng em suốt kiếp của Hòa Minzy chiếm trọn tiêu điểm mạng xã hội, lọt top trending YouTube và nhiều bảng xếp hạng, thu hút sự quan tâm của công chúng. Lý do MV thành công rõ ràng không phải vì âm nhạc mà bởi câu chuyện tình lịch sử của Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại được cài cắm. Công chúng bàn luận nội dung MV nhưng ít ai nói về ca khúc, trong khi đây là một sản phẩm âm nhạc. Đã có nhiều ý kiến cho rằng bài hát không khớp, không liên quan gì MV.
Chi Pu với MV Cung đàn vỡ đôi ra mắt cách đây 1 tháng cũng gây tranh cãi về mặt chuyên môn. Đây là sản phẩm được đánh giá ổn, chỉn chu về mặt hình ảnh trên YouTube, nhanh chóng đạt top trending. Những nỗ lực lồng ghép loại hình cải lương cũng đáng khích lệ. Tuy nhiên, MV không được đánh giá cao về giọng hát, chất lượng âm nhạc. MV này cũng như các sản phẩm âm nhạc khác của Chi Pu dù lượt xem rất cao nhưng giọng hát lại luôn bị đem ra bàn tán, là đề tài gây cười trên các diễn đàn mạng xã hội.
Một ca sĩ chuyên nghiệp rất thành công đã có nhận định, chia sẻ thẳng thắn về MV của Chi Pu, rằng không biết nên gọi Cung đàn vỡ đôi của cô là sản phẩm gì. Không thể gọi đó là MV, bởi đó chỉ là một bộ phim ngắn với nhạc nền văng vẳng đâu đó, không liên quan.
Đã có nhiều ca sĩ chạy theo sản xuất những MV sặc mùi drama dài dòng như một phim ngắn, thậm chí là nhiều tập. Loạt MV của ca sĩ Hương Giang gồm: Anh đang ở đâu đấy anh, Em đã thấy anh cùng người ấy, Anh ta bỏ em rồi, Tặng anh cho cô ấy... tràn ngập các cú xoay chuyển kịch bản bất ngờ, thu hút người xem. Dự án âm nhạc của Hương Giang thành công về mặt hình ảnh, nhiều câu thoại trong MV “tạo trend” khắp mạng xã hội, thế nhưng giá trị âm nhạc rất nhạt nhòa, không đủ sức khiến người nghe ghi nhớ giọng hát.
Phải từ năng lượng thật sự
Mới đây, ca sĩ Cao Thái Sơn ra mắt Khóc giữa trời mưa. Ca khúc được nhạc sĩ Vương Anh Tú đo ni đóng giày cho nam ca sĩ. MV được đầu tư chỉn chu từ hình ảnh đến nội dung, chi phí tiền tỷ. Thế nhưng, trong lần quay trở lại này sản phẩm âm nhạc chất lượng của anh bị cho rằng thất bại khi cả tháng chỉ nhỉnh hơn 1,3 triệu lượt xem, quá thấp so với các MV hiện nay. Ca sĩ Hạ Trâm cuối tháng 2 cũng ra mắt MV Nhà anh trên đỉnh cheo leo, dù về mặt hình ảnh hay âm nhạc MV rất chất lượng nhưng lượt xem chỉ hơn 700.000.
Cách đây 1 tháng, Đức Tuấn giới thiệu MV Ta sẽ hồi sinh, là phiên bản Việt của ca khúc có tựa Rinascerò, Rinascerai của nhạc sĩ người Italy Roby Facchinetti. Ca khúc này, như cái tên của nó, muốn thắp lên hy vọng, niềm cảm hứng sống cho cộng đồng trong cơn dịch bệnh. Riêng phần thu âm và hình ảnh, ê kíp từ Italy đặc biệt khen ngợi Đức Tuấn: “Chúng tôi rất ấn tượng với sản phẩm của các bạn - phần video rất đẹp mắt và Đức Tuấn là một nghệ sĩ rất tuyệt vời”. Thế nhưng, ca khúc này cũng chỉ có hơn 145.000 lượt xem.
Ca khúc Biển tình trong album mới nhất Trọn một kiếp yêu mới đây của anh cũng được tung lên YouTube và lượt xem chỉ có vài ngàn. “Xu hướng làm MV hiện nay đang có vấn đề. Âm nhạc bị đưa thành thứ yếu trong khi đúng ra phải là phần quan trọng hơn. Trong cuộc đua âm nhạc đúng nghĩa, tôi chấp nhận lượt xem có thể thấp nhưng khán giả được tiếp cận những sản phẩm đúng là âm nhạc”, ca sĩ Đức Tuấn thẳng thắn chia sẻ.
Cao Thái Sơn, Đức Tuấn, Hạ Trâm… và rất nhiều nghệ sĩ tài năng khác đã rất thành công và nổi tiếng nhưng fan của họ không phải là những người ngồi “cày view” cho thần tượng như một bộ phận người trẻ bây giờ. Trong khi đó, V-pop hiện tại lại là sự thống trị của lượt xem YouTube, đang được không ít người coi như thước đo thành công của một sản phẩm. Âm nhạc bị đánh giá hời hợt khi quy về con số, trong khi có những sản phẩm nghiêm túc, chất lượng của nghệ sĩ tài năng lại chật vật tìm đường đến với khán giả.
Theo nhạc sĩ Đức Huy: “Con số lượt xem không có ý nghĩa gì cả. Nó là ảo, bằng cách này hay cách khác, con số đó tăng lên. Nó chỉ thể hiện thị hiếu của một nhóm khán giả, thành phần nào đó... Nghệ thuật cho dù là thời đại nào đi chăng nữa thì cái gì là tinh hoa, mang lại giá trị mới, được tạo ra từ năng lượng trái tim người nghệ sĩ với nhiều tầng lớp thông điệp ý nghĩa đến công chúng mới có sức sống bền lâu”.
Cuộc cạnh tranh MV, những thành công bề nổi phần nào đã hình thành nên một bộ phận ca sĩ “của những bản ghi âm”, nhưng hát live luôn có vấn đề. Đã là ca sĩ thì phải có tài năng về giọng hát, nếu chỉ tập trung trau chuốt hình ảnh MV mà hời hợt chuyên môn thì không thể đứng vững mãi.