Trồng mai vàng

Tết Nguyên đán 2018 đã cận kề. Đây cũng là thời điểm nông dân làm hoa kiểng ở TPHCM nói chung và huyện Hóc Môn nói riêng đang tất bật hoàn thành nhiều công đoạn để xuất ra thị trường những sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt về chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. 
Cùng với quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn có truyền thống sản xuất mai vàng khá lâu đời. Diện tích trồng mai của huyện hiện đạt hơn 28ha (trong đó mai ghép 12ha, mai nguyên liệu 16ha), tập trung ở một số xã như Tân Hiệp, Đông Thạnh, Nhị Bình, Bà Điểm… 
Phát huy thế mạnh từ loại hình nghệ thuật này, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư phát triển cây mai vàng, và nông dân Nguyễn Văn Việt (ảnh, ngụ ấp Trung Lân, xã Bà Điểm) cũng không ngoại lệ.
Ông chủ vườn mai Nguyễn Văn Việt xuất thân là một quản lý nhà hàng, thời gian gắn với kinh doanh ăn uống nhiều hơn là với trồng mai, nhưng “khổ” là ông Việt còn có niềm đam mê cây cảnh, đặc biệt là mai.
Trồng mai vàng ảnh 1 Mô tả ảnh
Nhiều hôm xong việc, ông lại tìm đến vườn mai của những người quen ở xã để coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Coi chưa đã, ông còn mua mai về nhà để “thực tập”.
Thấy người ta làm gì, ông cũng bắt chước theo. Tưởng chỉ chơi cho vui, lúc đầu ông vừa quản lý nhà hàng vừa làm mai. Không ngờ thấy lợi nhuận từ trồng mai quá lớn, nên ông Việt nghỉ hẳn công việc ở nhà hàng và chuyên tâm vào mai, đến nay đã hơn 13 năm. 
Ông Việt cho biết, thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chỉ đầu tư số lượng nhỏ, sau nâng dần lên. Tết Đinh Dậu 2017 vừa rồi, gia đình ông đầu tư sản xuất hơn 150 chậu mai ghép lớn, 250 chậu mai trung, 400 chậu mai nhỏ, vừa cho thuê, vừa bán, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng.
Theo ông Việt: “Điều khó khăn nhất của mai kiểng là làm sao tạo dáng cây đẹp và việc cho ra hoa đúng kỳ phải phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, mai mang lại thu nhập cao vì giá trị cây mai rất lớn, đầu năm ai cũng muốn gia đình sở hữu một chậu mai đẹp, đem lại may mắn như với tên gọi. Nếu gặp thời, cây mai mua chỉ vài trăm ngàn nhưng bán giá vài triệu đồng là chuyện bình thường”.
Tiếp tục phát huy thế mạnh từ cây mai vàng, ngay từ những tháng đầu năm sau khi ăn tết xong, ông Việt tiếp tục chăm sóc vườn mai để chuẩn bị cho thị trường hoa tết 2018. Năm nay, ông đã đầu tư sản xuất 400 chậu trung và lớn, 450 chậu mai nhỏ, dự kiến sẽ đạt lợi nhuận như năm ngoái.
Ông Việt chia sẻ: “Đối với cây mai kiểng, việc chăm sóc không khó, có thể 2 - 3 ngày tưới một lần, không phụ thuộc vào lần tưới, nhưng bí quyết là tưới sao cho đẫm đến gốc mai, lúc nào cũng ẩm là được.
Mỗi tháng nên bón một lần phân (số lượng tùy vào cây lớn nhỏ); từ tháng 2 đến tháng 8 chủ yếu là bón phân đạm, đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 thì bón phân NPK để chuẩn bị nuôi bông cho dịp tết.
Một vấn đề quan trọng là người trồng mai phải biết chọn thời điểm nào để xử lý cho mai trổ bông. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu thời tiết nắng ấm, kết hợp gió chướng thổi mạnh thì cây mai sẽ trổ bông nhanh, vì thế việc chọn thời điểm lảy lá là ngày 14, 15 tháng Chạp; nếu như thời tiết lạnh mát, cây mai sẽ trổ bông chậm nên tôi chọn thời điểm lảy lá là mùng 9, mùng 10 tháng Chạp.
Lưu ý, sau khi lảy lá phải ngưng tưới nước một tuần, sau đó tiếp tục tưới nước bình thường”. Kinh nghiệm này đã giúp cho ông Việt thành công đối với mô hình sản xuất cây mai ghép, góp phần cùng gia đình nâng cao nguồn thu nhập.

Tin cùng chuyên mục