Đã bao lâu nay, người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam đều biết đến Thủ Đức là “cái nôi” của hoa mai, với 3 phường trồng mai chủ lực là Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và Linh Đông. Và nếu nói đến những nghệ nhân của làng mai Thủ Đức phải kể đến ông Phạm Văn Tư (ở tại 36/37/8/1 đường Số 4, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước).
Ông Tư cho biết: “Trước kia gia đình tôi là hộ thuần nông sống bằng nghề làm ruộng, có diện tích đất canh tác là 3.200m2. Đến năm 1990, nghề trồng lúa do năng suất thấp không đủ ăn, gia đình gặp nhiều khó khăn, nên tôi chuyển đổi sang mô hình trồng mai vàng, mai ghép có giá trị kinh tế cao. Lúc đầu, tôi đi lượm các hạt mai rơi rụng ở vườn các hộ trồng mai (cây mai sau khi nở hoa sẽ rụng các hạt, thường khoảng cuối tháng giêng đến tháng 2 Âm lịch) đem về trồng. Sau đó, các cây mai nhà tôi rụng hạt, tôi cũng đem trồng đất để phát triển vườn mai. Hiện vườn nhà tôi có khoảng 1.000 gốc (vừa trồng chậu, vừa trồng đất). Đây là kết quả từ kiến thức tôi có được nhờ thường xuyên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Khuyến nông, tham dự các lớp dạy nghề ngắn hạn của quận và trạm khuyến nông quận 2 - 9 - Thủ Đức, qua đó trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các nhà vườn, nắm bắt những thông tin, nâng cao kỹ thuật trồng mai”.
Theo ông Tư, mai hợp với loại đất có độ ẩm nhưng không thích nghi với nơi ngập úng kéo dài. Cây mai sinh trưởng và phát triển mạnh, có tuổi thọ cao, nếu được chăm sóc chu đáo sẽ cho hoa nhiều và có màu sắc đẹp. Cây mai mỗi năm rụng lá một lần vào cuối mùa Đông (tháng 1 - tháng 2 Dương lịch) và nở hoa vào đầu mùa xuân. Mai ghép được bán với giá trên 1 triệu đồng, tùy vào độ tuổi của mai. Một gốc mai ghép đẹp, uốn thân với tuổi thọ 50 năm, chiều cao trung bình 1,5m, sẽ có giá bán khoảng 50 triệu đồng. Mai trồng trực tiếp dưới đất có giá bán rẻ hơn, trung bình 200.000 đồng/cây.
Ông Tư chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng và chăm sóc mai không phức tạp. Tuy nhiên, để có một cây mai đẹp, ngoài những kỹ thuật thường áp dụng như tỉa cành tạo tán, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh thì cần chú ý một số điểm như mai phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, năm nhuần, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi liên tục… để có sự điều chỉnh cần thiết. Từ lúc trồng mai đất rồi chuyển lên trồng mai ghép, tôi đã cố gắng học hỏi, rút kinh nghiệm từ thực tế về kỹ thuật ghép, chiết cành, đồng thời bôn ba các nơi để tìm học tập kinh nghiệm. Hiện tôi có những chậu mai ghép cao 2 - 3m, gốc mai có đường kính từ 20 - 30cm. Bình quân thu nhập từ vườn mai của gia đình tôi, sau khi trừ chi phí, đạt khoảng 150 triệu đồng/năm”.
Thủ Đức là một quận ngoại thành có tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, giá đất nông nghiệp hiện rất cao. Do đó, để nâng cao giá trị vườn mai, ông Tư cho biết phải cố gắng chăm sóc mai kỹ, giảm chi phí đầu vào (sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hợp lý, khoa học), đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về hình dáng, số cánh của hoa… để cây mai có giá trị, thu được nhiều lợi nhuận khi bán. Đặc biệt, phải nắm vững kỹ thuật ứng phó với thời tiết thất thường để bảo vệ cây mai, nhất là vào những tháng có triều cường, ảnh hưởng bão vừa qua.