Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung nội dung tới 42 điều trong luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều, bỏ 3 điều. So với luật hiện hành, dự thảo thêm 16 điều.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, việc sửa đổi luật sẽ có những tác động tích cực đến xã hội. Nhưng để tối ưu hóa hiệu quả, những quy định trong luật mới cần được thiết kế trên cơ sở nhận thức mới, văn minh hơn, tiến bộ hơn; đảm bảo cho mọi thành viên trong gia đình đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Nêu một ví dụ điển hình, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, băn khoăn, hình phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình cũng có mặt trái. Tiền là tài sản của cả hai vợ chồng, chồng đánh vợ nhưng lại lấy tiền chung để đóng phạt. Điều này khiến nạn nhân không muốn tố cáo hành vi trong lần tiếp theo và cũng không có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực. Do vậy, cần có biện pháp bổ sung khiến người vi phạm cảm thấy xấu hổ chứ không phải chỉ phạt tiền là xong.
Đúng là những chế tài nghiêm khắc hơn nữa cần được áp dụng để “con thú” tiềm tàng trong mỗi kẻ thủ ác chùn tay lại khi nhìn thấy “chiếc lồng” pháp luật. Nhưng trước khi trừng trị, cần chú trọng các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình. Cần tạo điều kiện tối đa để người yếu thế phản ánh, yêu cầu trợ giúp, không cần phải có đơn yêu cầu. Thậm chí ngay cả khi đó thì trong rất nhiều trường hợp, người bị bạo hành, vì nhiều lý do khác nhau, cũng đã có tâm lý không muốn trình báo.
Cần phải nói thêm rằng, do tính đặc thù của bối cảnh xảy ra bạo lực gia đình, những quy định pháp luật cũng vẫn là chưa đủ. Thống kê thời gian qua cho thấy, số lượng các vụ bạo hành gia đình giảm sâu nhưng tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, đa dạng hình thái hơn. Chỉ một ngày trước khi dự thảo luật này được báo cáo ở nghị trường, giữa Thủ đô Hà Nội, vụ nghi tự sát của một gia đình 4 người với 2 con nhỏ trong một căn hộ chung cư đã làm rúng động dư luận. Có hay không việc người chủ gia đình do tuyệt vọng đã buộc các con phải chết theo mình?
Chính vì thế, tuyên truyền, thuyết phục, kể cả hỗ trợ tâm lý, là những giải pháp ngoài luật nhưng hết sức cần thiết và cần được tiến hành theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Chỉ có thế chúng ta mới có những “tế bào” gia đình mạnh khỏe hơn, góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh và hạnh phúc hơn.