TP Cần Thơ cùng với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp là 5 địa phương được chọn làm mô hình điểm để triển khai Đề án, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL. Những ruộng lúa từ mô hình này sẽ thực hiện cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án. Theo đó, áp dụng các tiêu chí như: sử dụng giống xác nhận; quản lý nước ướt khô xen kẽ; sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa… Mô hình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững; tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố cam kết nỗ lực cố gắng thực hiện thắng lợi Đề án, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 38.000ha, giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha”. Lời cam kết của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng là cơ sở để Bộ NN-PTNT đặt kỳ vọng sau 3 tháng nữa, Việt Nam sẽ có sản phẩm lúa gạo đầu tiên “giảm phát thải”.
Tháng 12-2023, cùng với lễ phát động thực hiện Đề án, nông dân tỉnh Hậu Giang đã chính thức gieo sạ những hạt giống đầu tiên của mô hình trình diễn quy trình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Đến nay, nông dân Hậu Giang đã sản xuất thành công 10ha lúa trong mô hình. Theo nông dân Nguyễn Văn Em, sản xuất lúa theo Đề án, nông dân sạ cụm bằng máy, lúa giống giảm trên 60kg/ha so với cách làm truyền thống… Ngoài ra, theo Đề án, nông dân phải bón lót vùi phân khi làm đất gieo sạ, nhờ đó giúp cây lúa phát triển mạnh ngay từ đầu, giảm thất thoát và tiết kiệm được lượng phân bón khoảng 30% so với canh tác thông thường. Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, kết quả khả quan của mô hình là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng và thực hiện có hiệu quả Đề án.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện Đề án và Ngân hàng Thế giới cũng cam kết sẽ chi hàng chục triệu USD để mua 5%-10% tín chỉ carbon được chứng nhận từ Đề án. Các chuyên gia lúa gạo đang đặt kỳ vọng vào Đề án vì Đề án giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam: tăng sản lượng lúa gạo; tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nông dân miền Tây có quyền đặt kỳ vọng vào Đề án, khi trồng lúa không chỉ bán lúa mà còn “bán tín chỉ carbon”!